Thursday, March 18, 2010

Du Tử Lê - Nguyễn Tất Nhiên

 
Trả lời bài viết của Du Tử Lê về nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên
Nguyễn Thị Minh Thủy
Cách đây không lâu, một người bạn có kể cho tôi nghe là nhà thơ Du Tử Lê đã tuyên bố ở đâu đó rằng bút hiệu Nguyễn Tất Nhiên của tác giả “Thà Như Giọt Mưa” là do ông đặt ra cho người thi sĩ quá cố này. Tuy sự kiện này tôi chưa bao giờ được nghe chính anh Nguyễn Tất Nhiên kể lại trong suốt thời gian chung sống, tôi cũng không lấy gì làm bận lòng về tính khả tín của nó. Tôi nghĩ chẳng qua đây chỉ là một trong số những giai thoại văn chương nào đó mà ông Du Tử Lê, bậc thầy của chữ nghĩa, cha đẻ của nhiều thuật ngữ thi ca độc đáo như “tan theo ngày nắng vội,” “khi tôi chết hãy mang tôi ra biển,” “ở chỗ nhân gian không thể hiểu,” kể lại trong lúc trà dư tửu hậu để, hoặc lý thú hóa một mối duyên thi văn, hoặc phong phú hóa kho tàng đào tạo tên tuổi của ông, vân vân. Tính thật hư của sự kiện dù sao cũng chỉ trong vòng tương đối mà thôi, hơn nữa chấp làm gì một việc đặt tên trong quá khứ khi cuộc sống trước mặt có quá nhiều chuyện để đối phó và suy tư.
Thế nhưng sau khi đọc bài viết của ông Du Tử Lê đăng trên giai phẩm Xuân Canh Dần của Nhật Báo Người Việt, dưới tựa đề “Trường Hợp Nguyễn Tất Nhiên, Những Ngày Tháng Cũ,” tôi thật sự ngạc nhiên và cảm thấy cần phải xét lại thái độ im lặng trước giờ. Một cái gì đó thôi thúc tôi lên tiếng, một lần này thôi, dù biết rằng “lời thật” của tôi có thể sẽ làm “mất lòng” một bậc đàn anh văn nghệ vĩ đại của người chồng cũ đã khuất của mình.
Tại sao có sự thôi thúc này? Phải chăng bởi vì nội dung của bài viết có liên quan đến một người đã chết, nghĩa là một kẻ không thể tự mình lên tiếng để công nhận hoặc phủ nhận, hay bổ túc những phần trăm sự thật mà tác giả đã vô tình (hoặc cố ý) bỏ sót? Cho dù tôi không biết hết một trăm phần trăm sự thật, ít ra sự trình bày của tôi hôm nay cũng thắp lên được một ánh lửa khiêm tốn giữa bóng đêm dày đặc kín bưng. Tôi cũng xin khẳng định rằng việc lên tiếng này không hề xuất phát từ tình cảm bất bình khi thấy suốt một bài viết dài, thi sĩ Du Tử Lê chẳng ghi nhận nét độc đáo nào đó trong sự nghiệp thi ca của một nhà thơ khác được lấy nửa dòng. Chuyện ông khen hay không khen thơ Nguyễn Tất Nhiên thật sự không quan trọng đối với tôi, cho dù không ai không biết Du Tử Lê là một tên tuổi nổi tiếng trên văn đàn hiện nay.
Ðể tránh làm mất thì giờ, tôi xin đi thẳng vào vấn đề. Trong bài viết vừa dẫn, ông Du Tử Lê cho rằng chính ông đã đặt bút hiệu Nguyễn Tất Nhiên cho chàng “thi sĩ tỉnh lẻ” này ngay ngày đầu tiên gặp gỡ vào một buổi sáng cuối năm 1970 tại quán cà phê La Pagode Sài Gòn, khi cậu học trò nhà quê này lặn lội lên thành diện kiến đàn anh để tặng cuốn “Thiên Tai,” một tập thơ mà cậu ta vừa mới in ra.
Theo nguyên văn lời kể của ông Du Tử Lê, “Nhan đề của cuốn thơ in dạng copy đó là “Thiên Tai.” Chữ lớn, đậm. Tên tác giả “Hoài Thi Yên Thy” chữ nhỏ, mảnh.” (sic) Vì thấy Hải (tên thật của Nguyễn Tất Nhiên) tha thiết với chuyện được đăng thơ trên tạp chí Văn (lúc ấy do ông Trần Phong Giao trông coi) mà gửi hoài không được toại nguyện, nhà thơ Du Tử Lê, vốn lão luyện trong chốn trường văn trận bút, đã thấy ngay vấn đề: “Cầm lên tập thơ mỏng của Hải, lật vài trang, tôi nghĩ, ngay cái bút hiệu ‘Hoài Thi Yên Thy’ của cậu, đã tố cáo tính cách văn nghệ học sinh, thành viên thi văn đoàn tỉnh lẻ rồi! Ngay cái tên, tự nó cũng đủ khiến những người phụ trách việc chọn thơ cho Văn, không tin tưởng!” (sic)
Và ông, với thiện ý giúp đỡ, đã không nề hà “nói ra ý nghĩ của mình với Hải. Tôi bảo, tốt nhất Hải nên chọn tên thật. Vì cái tên Hoài Thi Yên Thy nghe cải lương, học trò. Không ổn.” (sic)
Ngoài sự chờ đợi của ông Du Tử Lê, cậu Hải không chút gì cảm thấy khó chịu. Và sau khi được ông thuyết giảng về yếu tính để thành công trong việc chọn bút hiệu, như “việc đầu tiên, bút hiệu đó phải lạ, dù vô nghĩa,” vân vân, “Hải nói ngay: Vậy anh nghĩ cho em một cái tên… lạ đi. Không có nghĩa cũng được.” (sic) Và cậu ta còn nài nỉ ông Du Tử Lê phải làm điều đó ngay lập tức chứ không thể chờ, cho dù chỉ vài bữa, vì “em ở tuốt Biên Hòa. Lại không có xe, đâu có thể chạy lên chạy xuống thường xuyên được.” Thế rồi, như một chuyện thần thoại, hai chữ “tất nhiên” thành hình trong đầu ông và ông “mượn Hải cây bút, viết ba chữ xuống bìa sau tập “Thiên Tai”: Nguyễn-Tất-Nhiên.” (sic)
Ðọc tới đây thì tôi thấy ngay một điều gì đó không ổn. Vào khoảng gần cuối năm 1970, lúc tôi đang học lớp Ðệ Tam (lớp 10 bây giờ) thì anh Nhiên có xin phép thầy hiệu trưởng mang tập thơ Thiên Tai, với bút hiệu Nguyễn Tất Nhiên hẳn hòi, vào từng lớp để bán vì tập thơ in xong mà tác giả chưa chạy đủ tiền để trả cho nhà in. Chi tiết này cũng được nhà báo Hà Tường Cát, vốn là thầy dạy của chúng tôi tại trường Trung Học Ngô Quyền, kể lại trên một bài viết được đăng báo vài ngày sau khi anh lìa đời. Cũng qua bài “Vài Kỷ Niệm Về Nguyễn Tất Nhiên” (nhật báo Người Việt, số 2481 ngày 8 Tháng Tám, năm 1992), tôi mới biết thêm là hình bìa tập Thiên Tai do Ðinh Cường vẽ chính là “công” của thầy Cát (vì đối với giới học trò làm thơ như chúng tôi lúc đó, có hình bìa Ðinh Cường là một điều rất đáng nể, rất “ngầu,” nghĩa là một ấn tượng rất khó quên!). Vì thời cuộc, tập Thiên Tai đến nay hầu như không còn nữa nhưng không hẳn đã tuyệt bản. Nhà thơ Nguyễn Hoàng Nam, em trai của anh Nhiên, đã may mắn còn giữ được một bản và giúp tôi gửi đến độc giả bản sao bìa trước và bìa sau của cuốn thơ này, như một di vật của người quá cố. Nếu vì một lý do nào đó, độc giả không coi được hình bìa thì xin mời vào trang nhà của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền để tham khảo (ngo-quyen.org).
Sự thật đã rõ ràng như thế, thì chỉ có một cách để bào chữa cho ông Du Tử Lê là: Rất có thể thời điểm gặp gỡ là một buổi sáng định mệnh nào đó vào cuối năm 1969 hay đầu năm 1970 (chứ không thể nào là cuối năm 1970) và tập thơ mà cậu học trò tên Hải tặng cho nhà thơ Du Tử Lê lúc ấy chỉ là… bản nháp! (Nói là nói cho vui vậy thôi, chứ ai cũng biết, vào thời gian ấy tại Việt Nam, kỹ thuật in ấn dĩ nhiên rất khác xa so với bây giờ.)
Và cũng rõ ràng như thế, thì một câu hỏi phải được đặt ra: Tại sao ông Du Tử Lê lại hạ bút viết như đinh đóng cột về một sự kiện mà ông không nhớ rõ như vậy?
Như tôi đã thưa, đối với tôi việc ai đặt tên không quan trọng. Bên cạnh đó, tôi cũng không để tâm phiền giận những tác giả trong lúc viết bài về Nguyễn Tất Nhiên đã vô tình phóng bút quá đà (tôi từng đọc qua một số bài viết không sát sự thật về nhà thơ yểu mệnh này). Với tôi, viết với một tấm lòng như thế nào mới là điều đáng kể. Mới đây, khi tìm tài liệu trên Internet để viết bài này, tôi vừa biết có một blog viết về một “nguồn gốc” khác của bút hiệu Nguyễn Tất Nhiên. Ðó là bài của Trần Thuận Văn đề ngày 3 Tháng Bảy, 2009, viết trên blog của chính mình. Là một người bạn cũ thời còn đi học và cùng làm thơ với Hoài Thi Yên Thi/Nguyễn Tất Nhiên, anh viết về những kỷ niệm hồn nhiên cười ra nước mắt của thuở học trò giữa ba người bạn thân thiết, trong đó có một đoạn như sau: “Bắt đầu năm vào học thì Nhiên tâm sự với tôi (Trần Thuận, bút hiệu Trần Thuận Văn) và Lưu (Hồ Văn Lưu, bút hiệu Hồ Triều): “Tau muốn tìm bút hiệu khác, vì tau làm xong tập thơ Thiên Tai này chuẩn bị in.” Tôi và Lưu suy nghĩ rồi góp ý đổi bút hiệu cho Nhiên là Nguyễn Tất Nhiên liền được hắn chấp nhận ngay.” (sic)
Trong lòng không gợn một nghi vấn gì, tôi tiếp nhận những mẩu chuyện buồn vui kể trên với một tâm trạng bùi ngùi vì hai trong ba nhân vật (tôi quen biết cả ba anh) trong lời kể trên đã ra người thiên cổ. Âu cũng là một câu chuyện chung quanh một sự thật mà chỉ có anh Nhiên mới có thể trả lời. Mà anh lại qua đời sớm quá, hay ít nhất là đủ sớm để những huyền thoại về anh cứ thế mà sản sinh.
Thành thật mà nói, trong thời gian chung sống, anh Nhiên đã kể cho tôi biết, trước khi có bút hiệu Nguyễn Tất Nhiên, anh dùng tên Hoài Thi Yên Thi khi ra tập thơ “Dấu Mưa Qua Ðất” (1966) và “Nàng Thơ Trong Mắt” (1968). Tôi từng cười ngặt nghẽo về bút danh quá con gái, khác nhau một trời một vực với bút hiệu hiện thời này của anh, và anh cũng vui vẻ công nhận rằng từ lúc anh nghe theo lời khuyên của đàn anh Du Tử Lê đổi bút hiệu thì sự nghiệp thi ca “lên” rõ ràng. Hỏi tại sao là Tất Nhiên thì anh cười ha hả, bảo tất nhiên phải là Tất Nhiên thôi.
Tôi ngờ rằng cái tên Hoài Thi Yên Thi đã để lại một dấu ấn nào đó khó quên trong lòng thi sĩ đàn anh khiến ông không còn sự minh mẫn cần thiết chăng? Bởi vì, nếu tôi nhớ không lầm, trong mớ thư từ giấy má mà anh Nhiên ky cóp mang theo lúc vượt biên và đem ra cho tôi xem, có cả một bức thư của nhà thơ Du Tử Lê “thân gửi Cô Hoài Thi Yên Thi” vì ông lầm tưởng đây là một nhà thơ… nữ. Tiếc là tất cả những thứ giấy tờ nói trên nay không còn nữa. Nhưng, giấy tờ dù mất, ký ức vẫn còn. Cho nên, vì lương tâm đối với một người đã mất không thể tự lên tiếng, tôi mới phải chẳng đặng đừng tiết lộ điều này chỉ vì muốn nói lên một sự thật mà tôi may mắn được thấy qua lá thư ấy (ngoài hai đương sự), rằng ông Du Tử Lê đã liên lạc thư từ với (cô) Hoài Thi Yên Thi từ trước chứ không phải đợi đến buổi sáng ở quán La Pagode ông mới gặp cái tên này lần đầu, như ông đã đặt bút thuật lại như thuật một câu chuyện vừa mới xảy ra.
Vậy thì, tại sao ông Du Tử Lê chọn một sự kiện mà ông không nhớ rõ để viết thành một bài có bố cục hẳn hoi để dẫn dắt người đọc đi từ ngạc nhiên này tới bất ngờ khác, rồi đi đến một bất ngờ gây sốc cuối cùng cho ông mà cũng là cho độc giả, như lối dựng phim Hollywood là “gặp lại Nhiên, với chiếc xe Honda mới” (sic) (ý hẳn ông muốn bảo rằng Nguyễn Tất Nhiên đã đạt được điều mà anh ta đòi, là thưa Phạm Duy để lấy tiền mua xe Honda, vì ban đầu cậu học trò này không có xe)? Thắc mắc này cứ lởn vởn trong óc tôi từ khi đọc xong bài báo ấy. Tôi có cảm tưởng (và mong rằng mình lầm) ông Du Tử Lê muốn trình bày cho mọi người thấy, rằng “trường hợp” Nguyễn Tất Nhiên chẳng qua như thế này đây: một tên tuổi hữu danh vô thực, nhờ vận may mà nổi tiếng (Phạm Duy bắt mạch thị trường, tung ra bài nhạc phổ thơ dựa trên “triết lý nôm na có còn hơn không”) như lời ông viết, “một sớm một chiều, Nguyễn Tất Nhiên nổi tiếng khắp nơi – Như một hiện tượng, chưa từng xảy ra. Ngược hẳn với sự “yên ắng” của các diễn đàn văn học: Không một bài thơ nào của Nhiên, xuất hiện” (sic); và rằng Nguyễn Tất Nhiên trơ trẽn bon chen, sau đó lại vô ơn bạc nghĩa đối với nhạc sĩ Phạm Duy, thẳng tay thưa nhạc sĩ này ra tòa để đòi chia chác tiền bạc khi cần.
Kỹ thuật trình bày điêu luyện của Du Tử Lê cho thấy ông kể lại “trường hợp” Nguyễn Tất Nhiên một cách thật tự nhiên, bởi câu chuyện khởi đi là từ lòng hào hiệp tận tụy giúp đỡ đàn em của chính ông. Tuy nhiên, cũng chính vì kỹ thuật này mà ông quên để một chút tình dành cho kẻ đàn em văn nghệ của mình. Ông kể, qua lời “mắng vốn” của ông xếp Trung Tá Nguyễn Ðạt Thịnh, có vẻ như khơi khơi tự nhiên “Nguyễn Tất Nhiên đòi Phạm Duy phải đưa cho Nhiên một triệu đồng. Nhiên cần tiền mua một chiếc xe Honda, đi học” (sic) mà không trình bày nguyên do, hoàn cảnh đẩy đưa khiến câu chuyện “đòi chia bản quyền trở thành ồn ào.”
Tưởng cũng nên nhớ Nguyễn Tất Nhiên sinh năm 1952. Năm tập Thiên Tai ra đời (1970) anh chỉ là một cậu học trò 18 tuổi và năm anh được cây đại thụ Phạm Duy phổ nhạc, tuổi anh mới vừa quá 20, còn trong vòng bảo bọc của gia đình (cũng khá giả), nghĩa là không phải túng thiếu hay ham tiền đến nỗi phải thưa kiện như thế. Ðiều bận tâm duy nhất của anh lúc đó (và muôn đời) vẫn là thơ và thơ, kèm theo việc muốn cho người ta biết đến tài làm thơ của mình. Theo chỗ tôi được biết, anh (và nhất là cha mẹ anh) rất bực bội khi thấy những bài nhạc được in bán dưới hình thức từng bài lẻ đề tên người sáng tác là Phạm Duy, không hề nhắc tới tên Nguyễn Tất Nhiên. Ngay cả lúc bài Thà Như Giọt Mưa được nhạc sĩ Phạm Duy bán bản quyền cho hãng dĩa Việt Nam để soạn thành ca khúc tân cổ giao duyên (dường như do các nghệ sĩ Chí Tâm và Lệ Thủy trình bày) cũng vậy. Tên tuổi thi sĩ hoàn toàn bị gạt ra ngoài… hư vô. Với tính tình nóng nảy, anh Nhiên tức tối nhưng không làm gì được. Anh chạy đi cầu cứu với giới báo chí thì đúng lúc thiên hạ đang bất mãn giùm cho thi sĩ Linh Phương (được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ bài Kỷ Vật Cho Em mà không nêu tên tác giả). Cùng với báo Sống của nhà văn Chu Tử, một số báo khác cũng đứng về phía những người làm thơ bị sang đoạt tên tuổi, phát động phong trào đặt lại vấn đề tác quyền cho người làm thơ và gây áp lực với giới nhạc sĩ. Theo lời kể của cha mẹ anh Nhiên, ông Phạm Duy cũng tìm lên nhà anh ở Biên Hòa và gặp họ, nhưng gặp theo kiểu “ghé qua nhà cho biết” chứ không hề đề cập đến vấn đề. Vẫn theo lời ông bà, chờ đợi mãi “một lời phải quấy” nhưng không được đáp ứng, cuối cùng họ mới giao cho một luật sư bà con đứng ra can thiệp và luật sư này đâm đơn kiện một số cơ sở thương mại (như hãng dĩa Việt Nam) đã mua nhạc của ông Phạm Duy. Nội vụ sau đó được điều đình để tránh việc đem ra tòa xét xử hầu cứu vãn thanh thế cho nhạc sĩ này. Bên nguyên cáo bãi nại và nhận một số tiền bồi thường do những nhà thương mại nói trên đứng ra chi trả.
Nhìn qua về chuyện thưa kiện giành lại một phần tác quyền, kể ra bài viết của ông Du Tử Lê không hẳn là sai sự thực, chỉ tiếc rằng ông không (chịu) trình bày toàn cảnh bức tranh sự thực đó mà thôi.
Còn về bề ngoài lôi thôi, cư xử cổ quái, tính tình bừa bãi của anh Nhiên, thì tôi không có ý kiến. Vả lại, những chi tiết này cũng đâu có mới mẻ gì. Chúng đã được nhà báo Hoàng Dược Thảo (người bạn đời lúc đó của ông Du Tử Lê) kể lại với tấm lòng cảm thông khoan thứ qua một bài viết dài rất cảm động, thương tiếc người em văn nghệ tài hoa nhưng bất toàn, bất hạnh của chồng mình. Bài được đăng trên tuần báo Sài Gòn Nhỏ của bà ngay sau khi anh Nhiên qua đời (Tháng Tám, 1992) và sau đó có đăng lại trên tạp chí Tân Văn (số 3, Tháng Mười, 2007) dưới tựa đề “Nguyễn Tất Nhiên (1952-1992), Buồn Hơn Trước Nhiều.” (“Buồn hơn trước nhiều” là lời thơ của Nguyễn Tất Nhiên).
Ngoài ra, chuyện trước khi nổi tiếng, Nguyễn Tất Nhiên phải cạy cục bon chen chỗ này chỗ nọ để đăng thơ mà không được toại nguyện, tôi cũng không lấy gì làm thắc mắc. Sự kiện Nguyễn Tất Nhiên có được các ngài ngự sử văn học thời đó thừa nhận hay không, bây giờ điều này không thành vấn đề bởi những phán đoán ấy không làm cho thơ anh hay hơn hay dở hơn, trường tồn hay mất dấu. Tôi còn phải cám ơn ông Du Tử Lê vì khi được đọc những gì thi sĩ này vô tình hé mở đôi chút về không khí văn nghệ đầu thập niên 70 tại Sài Gòn (một không khí nặng phần kỳ thị vùng miền, tỉnh lẻ, thủ đô), tôi mới hiểu hơn và thương cảm những lời thơ tự thán của người chồng cũ của mình:
“Mới ngoài hai mươi mà trầm trọng chứng đau lưng
Bởi luồn cúi mỗi ngày dăm bảy bận!
Ðời chẳng khác tay ma đầu biển lận
Keo kiệt từng phần danh lợi sớt chia
Bước ra đường ai cũng đội mão mang hia
Ai cũng cố ngụy trang cũng nặng phần trình diễn!”
(1974, Lần Cuối, trích tập Thơ Nguyễn Tất Nhiên)
Thôi thì tạm gạt bỏ cái nhìn tiêu cực cho rằng ông Du Tử Lê có hậu ý nào đó khi đặt bút, tôi thấy tội nghiệp cho ông vì thế kẹt mà ông tự dấn thân vào.
Một đằng ông muốn bài viết lôi cuốn nên phải chọn lựa, và nếu cần, dàn dựng nên những chi tiết thật đậm nét, thật độc đáo lồng trong một bố cục thật chặt chẽ theo kiểu một truyện ngắn có tính cách hư cấu. Một mặt ông cũng biết rõ rằng nếu viết về một nhân vật có thật, một tên tuổi nhiều người biết tới, thì bài viết lại càng “ăn khách” gấp bội. Tuy nhiên, chọn lựa đề tài này ông chạm phải một điều mà một người cầm bút chân chính có lòng, có lương tâm, rất cần phải cân nhắc, suy nghĩ chín chắn trước khi làm. Ðó là viết về một người đã chết.
Tôi từng nghe các cụ ta hay dạy: Nghĩa tử là nghĩa tận. Chết là hết. Trừ trường hợp cùng cực chẳng đã, thường thì người ta tránh nói những điều không hay về một người đã mất cho dù điều đó là sự thật đi nữa. Ðằng này ông Du Tử Lê viết về một Nguyễn Tất Nhiên qua đời đã gần 18 năm bằng một bài viết bới tung quá khứ với những hình ảnh phiến diện, chắp vá và, đôi chỗ không đúng sự thật. Tại sao như vậy? Và đau lòng hơn nữa là tại sao ông lại chọn đăng trên một tờ báo Xuân, nơi người ta chờ đợi đọc được những điều đẹp đẽ tốt lành để khởi đầu một năm tinh nguyên trước mặt?
Về vấn đề thưa kiện Phạm Duy của Nguyễn Tất Nhiên, chính cha mẹ anh, vào những năm tháng gần đây, mỗi khi được hỏi đến, họ đều bùi ngùi trả lời, “Thôi, thằng Nhiên nó chết rồi. Hãy để cho nó siêu thoát. Chuyện qua lâu rồi, thôi để cho nó qua đi mà…”
Mười tám năm trước, năm anh vừa chẵn 40, chúng ta đã vô tình ngó lơ để cho con dao định mệnh có dịp ứng vào lời thơ tiên tri thống thiết mà anh làm năm 20 tuổi:
“Ta phải khổ cho đời ta chết trẻ
Phải ê chề cho tóc bạc với thời gian
Phải đau theo từng hớp rượu tàn
Phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định!”
(1972, Giữa Trần Gian Tuyệt Vọng, trích tập Thơ Nguyễn Tất Nhiên)

Mười tám năm sau, người chết đã chết, ngàn năm im bặt, mang theo sự thật xuống dưới đáy mồ, tôi không thể cam tâm ngó lơ để cho một lần nữa những lời thơ tiên tri của anh viết năm 21 tuổi lại trở thành linh nghiệm:
“Ðời, vốn không nương người thất thế
Thì thôi, ô nhục cũng là danh!”
(1973, Hai Hàng Me Ðường Gia Long, trích tập Thơ Nguyễn Tất Nhiên)

Trong bối cảnh “nhiễu nhương” như bây giờ, tôi ngậm ngùi hiểu thêm được một định nghĩa khác của thuật ngữ “thất thế” mà anh dùng. Ðó là cái “thất thế” của những Bùi Giáng, Nguyễn Ngu Í, Nguyễn Tất Nhiên, của những con người tài hoa nhưng đầu óc, cách suy tưởng, thái độ ứng xử, không được bình thường. Bất hạnh hơn, Nguyễn Tất Nhiên còn “thất thế” gấp hai lần vì anh vừa bất thường lại vừa mất sớm. Mỗi khi nhắc tới thi hay văn tài của họ, người ta thường kèm theo những giai thoại lạ đời mà người viết có dịp chứng kiến hoặc thậm chí chỉ nghe kể lại. Tệ hơn nữa, có kẻ quá đỗi thường tình, chỉ thích chí khai thác những chuyện tư riêng eo xèo đời mọn của những nhân tài này thay vì thưởng ngoạn những tinh hoa mà họ đã chắt lọc từ phía con người bất toàn kia để cống hiến cho đời.
Nhà thơ Ngu Yên, trong một lần mạn đàm văn học, có dí dỏm ví dòng thơ tài tình của một thi sĩ không khác chi bộ xương của loài khủng long. Vài ngàn năm sau, mọi thứ rã tan tàn lụi, nhờ khai quật được những bộ xương này mà nhân loại biết có một thời kỳ trên mặt đất có loài thú đó. Vậy khi một nhà thơ, nhà văn nào đã qua đời, thì, làm ơn, nếu không vì nhu cầu nghiên cứu tiểu sử để tìm hiểu cặn kẽ về bối cảnh và điều kiện sáng tác của họ, xin đừng khai thác đời tư của họ để phục vụ cho bất kỳ một mục đích nào khác hơn là góp phần cống hiến cho đời ba điều thật đơn giản, nghe rất nhàm tai, nhưng vô cùng cao quý, đó là: Chân, Thiện và Mỹ. Xin gắng bảo tồn bộ-xương-thi-ca-tinh-túy của họ để thế hệ mai sau biết được, có một thời, cuộc sống nhân loại cũng văn minh, dù ở mấy ngàn năm trước.
Nguyễn Thị Minh Thủy
Westminster, cuối Tháng Giêng, 2010

-----------------------------------------------------
Trường hợp Nguyễn Tất Nhiên, những ngày tháng, cũ
Du Tử Lê
Cuối năm 1970, một buổi sáng khi tôi đang ngồi ở chiếc bàn quen thuộc, kê gần một cây cột của café La Pagode, ở ngã tư đường Tự Do và Lê Thánh Tôn, Saigon cũ, với Nguyễn Ðình Toàn, Nguyễn Quốc Trụ, Huỳnh Phan Anh… thì, một học sinh khẳng khiu, lênh khênh đẩy cửa bước thẳng vào. Cậu tiến thẳng tới bàn chúng tôi. Không chào hỏi ai, cậu hỏi tôi có phải là Du Tử Lê. Tôi gật đầu, thoáng nghĩ, có chuyện bất thường?
Thời gian đó, thỉnh thoảng một vài học sinh, sinh viên đi tìm tôi, ở La Pagode, không phải là chuyện hiếm. Nhưng cậu học trò này, với dáng vẻ ngơ ngáo, hiển nhiên không phải là học sinh hay, sinh viên ở Saigon.
Với chiếc quần tây mầu xanh, cao trên mắt cá đã ngả màu, trên ngực áo chemise trắng khâu huy hiệu “Ngô Quyền,” chân đi dép Nhật, tay cầm tờ báo Văn và một cuốn sách nhỏ, cậu là khuôn mặt lạ, xuất hiện lần thứ nhất.
Mấy người bạn ngồi cùng bàn, im lặng. Tôi đứng dậy, chỉ cậu qua chiếc bàn trống kê sát khung kính lớn, trông vào đường Tự Do.
Sau khi cậu cho biết cậu tên “Hải,” tôi hỏi cậu uống gì, và tiếp tục kín đáo quan sát… Lúc người phục vụ lấy xong “order” đi khuất, tôi hỏi, ai chỉ Hải tới đây?
Cậu học trò tỉnh lẻ ngập ngừng:
“Em tìm anh đã lâu, viết thư cho báo Văn hỏi xin địa chỉ của anh, nhưng họ từ chối. Hỏi nơi anh làm việc, họ nói không biết… Sáng nay em phải tới thẳng tòa soạn Văn. Em nói, em từ Biên Hòa lên, cho em gặp anh. Họ bảo, ‘ông Lê không có ở đây.’”
“Ai trả lời câu đó?”
“Cái ông mập, đen, ngồi bàn trong. Không phải ông ngồi bàn ngoài ốm, cao. Hình như đó là ông Trần Phong Giao.”
Tôi nói, đúng rồi. Ðó là ông Trần Phong Giao. Người ngồi bàn ngoài, ốm, hơi cao là ông Gia Tuấn.
“Nói xong, ông ấy lại cúi xuống làm việc. Coi như không có em. Nhưng em cứ đứng nguyên. Chập sau, ông ngước lên, lại nhìn em. Ý hỏi em có còn cần gì nữa không? Em nói, em muốn mua một tờ Văn số mới và, có cách nào chỉ cho em địa chỉ hoặc, chỗ làm của anh, để em đi tìm anh vì em ở rất xa, Biên Hoà, chứ không phải ở đây…”
Vừa nói, Hải vừa rất tự nhiên rút một điếu thuốc của tôi, trên bàn, châm lửa hút, tựa hơi thuốc giúp cho nhịp tim của cậu đập lại bình thường hơn, sau quãng đường dài. Hải tiếp, giọng có phần phàn nàn:
“Ông ấy vẫn cứ nhìn em, không nói. Cũng không nhúc nhích. Tới lúc đó, em mới chợt nghĩ ra, có thể ông ấy ngại em gây phiền hà anh hay, sao đó. Em bèn đưa cuốn thơ em có cầm theo đây, cho ổng thấy rằng, em chỉ muốn gặp anh để tặng anh tập thơ mà thôi.”
Hải đẩy cuốn thơ mỏng, khổ giấy viết thư gấp đôi, bìa đóng kim… về phía tôi. Nhan đề của cuốn thơ in dạng copy đó là “Thiên Tai.” Chữ lớn, đậm. Tên tác giả “Hoài Thi Yên Thy” chữ nhỏ, mảnh. Hải tiếp:
“Ông ấy không cầm xem, chỉ liếc nhìn. Cuối cùng, ông xoay người vói tay qua dẫy kệ phía sau, lấy cho em tờ Văn. Ông bảo, không lấy tiền, ‘cầm về Biên Hòa mà đọc.’ Rồi chỉ đường cho em ra đây. Ông dặn thêm rằng: ‘Ông DTL mặc đồ lính… Thường ngồi nơi chiếc bàn kê sát cột, nếu cậu đi vào tiệm café, từ phía đường Lê Thánh Tôn. Nhớ là cửa ở đường Lê Thánh Tôn chứ không phải Tự Do… ’ ’”
Những tưởng mục đích của Hải chỉ là muốn trao tận tay tôi, tập thơ. Khi tôi nhắc Hải nên trở lại Biên Hòa sớm, để đi học thì, Hải cho biết thêm: Cậu được nghỉ học nguyên ngày. Và, ngập ngừng ngỏ ý nhờ tôi đưa tập thơ cũng như mấy bài thơ của cậu cho báo Văn.
“Em gửi bài cho Văn bao giờ chưa?” Tôi hỏi.
Hải đáp, có. Nhiều lần. Nhưng Văn không đăng một bài nào.
Cầm lên tập thơ mỏng của Hải, lật vài trang, tôi nghĩ, ngay cái bút hiệu “Hoài Thi Yên Thy” của cậu, đã tố cáo tính cách văn nghệ học sinh, thành viên thi văn đoàn tỉnh lẻ rồi! Ngay cái tên, tự nó cũng đủ khiến những người phụ trách việc chọn thơ cho Văn, không tin tưởng!
Tôi nói ra ý nghĩ của mình với Hải. Tôi bảo, tốt nhất Hải nên chọn tên thật. Vì cái tên “Hoài Thi Yên Thy” nghe cải lương, học trò. Không ổn.
Thời gian đó, tại Saigòn cũng như ở các tỉnh, phong trào thành lập thi văn đoàn được mùa, nhiều như cỏ sau mưa. Tôi biết, có những thi văn đoàn chỉ một hai người. Thậm chí, một người cũng có thể nghĩ ra tới hai, ba tên thi văn đoàn khác nhau.
Tôi chờ đợi Hải sẽ tỏ dấu khó chịu trước lời nói thẳng của mình. Nhưng không. Hải mím môi. Im Lặng. Bất ngờ Hải nói:
“Vậy anh nghĩ cho em một cái tên đi!”
Tôi cho Hải biết, cách tốt nhất là nên lấy tên thật của mình. Hay, dở gì, nó vẫn là cái tên bố mẹ đặt. Còn đã chọn bút hiệu thì, việc đầu tiên, bút hiệu đó phải lạ; dù vô nghĩa. Bút hiệu lạ sẽ dễ gây nhiều chú ý cho người đọc, tôi giải thích.
Nêu bút hiệu và, nghệ danh vài nhà văn, ca sĩ làm thí dụ, tôi nói:
“Ðó là những cái tên vô nghĩa. Nhưng trước khi trở thành quen thuộc thì, nó là những cái tên lạ…” Tôi thêm:
“Có khi nó lạ ở chính sự… vô nghĩa của nó!”
Hải bật cười lớn. Tiếng cười của Hải khá đặc biệt. Nó có thể khiến người chung quanh giật mình. Hải nói ngay:
“Vậy anh nghĩ cho em một cái tên… lạ đi. Không có nghĩa cũng được…”
“Em để vài bữa nữa được không?
Hải năn nỉ:
“Không anh. Em ở tuốt Biên Hoà, lại không có xe, đâu thể chạy lên, chạy xuống thường xuyên được. Em nói rồi, một cái tên không có nghĩa gì cũng được…”
Tôi nhìn đồng hồ. Ðã hơn 10 giờ. Tôi biết tôi phải có mặt ở chỗ làm việc, trước 11 giờ, là chậm nhất. Nhưng, Hải không cho tôi cảm tưởng Hải sẽ buông tha tôi sớm. Như thể, việc tôi phải nghĩ cho cậu một cái tên là chuyện đương nhiên. Chẳng biết có phải hai chữ “đương nhiên” thoáng hiện ra, đã dẫn tôi tới hai chữ… “tất nhiên”?
Tôi hỏi hải:
“Em họ gì?
“Em họ Nguyễn.”
Tôi mượn Hải cây bút, viết ba chữ xuống bìa sau tập “Thiên tai”:
“Nguyễn-Tất-Nhiên.”
Hải cười rộ. (Vẫn tiếng cười có thể làm giật mình, chung quanh.) Tôi hỏi có hiểu hai chữ “tất nhiên,” Hải gật đầu. Tôi tiếp:
“Tất nhiên là… như thế… Mặc dù “tất nhiên như thế” nào thì chỉ có thời gian mới trả lời được. Có khi, cuối cùng, câu trả lời mà em sẽ nhận được, là… tất nhiên một… thiên tai!”
Tới bây giờ, tôi cũng không hiểu bắt nguồn từ động lực nào mà, chẳng những tôi không dị ứng với cung cách ứng xử tự nhiên, không phép tắc của người Nam như Nguyễn Tất Nhiên mà, tôi còn chiều ý Nhiên, trước nhiều bất ngờ, phiền toái Nhiên mang đến cho tôi.
Bất ngờ đầu tiên là, ngay ngày hôm sau (chứ không phải nhiều ngày như Nhiên nói,) Nhiên tìm tôi ở phòng Báo Chí, cục Tâm Lý Chiến, giữa lúc tôi đang làm việc. Lần này, Nhiên đưa tôi một xấp thơ viết tay, với bút hiệu Nguyễn Tất Nhiên. Nhiên muốn tôi mang ngay ra báo Văn, cho Trần Phong Giao. Tôi hứa tôi sẽ làm. Nhưng:
“Em về đi. Anh đang phải làm việc. Thêm nữa, không thể có kết quả ngay. Và, cũng đừng hy vọng, nhiều ở lần gửi này.”
Nhiên đồng ý:
“Nhưng em vẫn chờ anh. Ðằng nào anh cũng đi ăn trưa phải không?”
“Em chờ ở đâu?”
“Bên kia đường.”
Không biết từ lúc nào mà Nhiên biết bên kia cục Tâm Lý Chiến, ở cuối đường Hồng Thập Tự, có một quán nhỏ, do một người lính trong cục mở, cho vợ đứng bán.
Hôm đó, mãi quá trưa tôi mới tạm xong công việc của mình. Những tưởng khi đi ra, Nhiên sẽ không còn đó. Nhưng tôi nhầm!
Bất ngờ kế tiếp, là sau này, gần như ngày nào Nhiên cũng tìm tôi. Chờ đợi. Khi ở tiệm café. Khi ngay trong căn phòng nhỏ mà chúng tôi thuê gần chỗ làm. Với thời gian, Nhiên trở thành một “thành viên” trong gia đình nhỏ của chúng tôi từ lúc nào, tôi cũng không nhớ nữa.
Khổ nỗi, khi số ngày, đêm Nhiên ở trong căn phòng nhỏ của chúng tôi gia tăng bao nhiêu, thì số lần mẹ tôi đến thăm chúng tôi, lại giảm đi bấy nhiêu.
Số là mẹ tôi, vốn là người Bắc thuộc loại cổ xưa. Rất cực đoan! Bà không chịu nổi Nhiên. Nhất là những lần bà ghé thăm chúng tôi, nếu Nhiên đang có mặt thì, bao giờ Nhiên cũng giương mắt nhìn mẹ tôi như muốn hỏi:
“Bà tìm ai?”
Tôi nhắc Nhiên nhiều lần, nên chào mẹ tôi một tiếng. Tôi cũng từng nói với mẹ tôi rằng, Nhiên là người Nam không quen chào hỏi, chứ không phải cố tình hỗn láo!
Tuy nhiên, nói cách nào thì, mẹ tôi cũng không chịu nổi Nhiên. Bà không thể hình dung mỗi lần đi thăm con cháu của bà, là một lần bà phải gặp một thằng nhỏ giương mắt hỏi bà “muốn tìm ai?!”
Ngoài thói quen nhìn mẹ tôi như “tra khảo,” Nhiên còn là người cực kỳ bừa bãi. Những khi bận làm… thơ, Nhiên dùng hết tất cả 5 chiếc phin pha café có sẵn trong nhà, xong vứt chúng vào bồn rửa mặt. Tàn huốc lá và “bản thảo,” những tờ giấy viết nháp của Nhiên thì… khỏi nói. Nhiên không chỉ vung vãi khắp bàn viết của tôi mà, còn phủ… đầy sàn gạch…
Nhiều lần mẹ tôi nói, bà rất ngứa mắt! Bà đi thăm con cháu chứ không phải để “hầu” cái ông “đầu gối cao quá mang tai” kia.
Chẳng là, khi làm thơ, Nhiên thường ngồi co một chân trên ghế. Thỉnh thoảng Nhiên cũng co cả hai chân, như kiểu ngồi nước lụt. Mà, chân của Nhiên thì dài thật!
Cũng lại là một bất ngờ nữa, với tôi (dù chưa phải là bất ngờ sau cùng!), khi một hôm Nhiên ngỏ ý nhờ tôi chuyển thơ của Nhiên cho nhạc sĩ Phạm Duy, phổ nhạc. (Trước đó, Nhiên cũng đã có một bài thơ do Nguyễn Ðức Quang soạn thành ca khúc. Ðó là bài “Vì tôi là linh mục.” Nhưng không ai biết. Có thể nó không hay, ít được hát?)
Thời gian kể từ đầu năm 1970 tới giữa năm 1974, với sự đồng ý của Thành “Hiện Ðại,” tôi là người xuất bản gần như tất cả những tập nhạc của họ Phạm. Ngay tập “Ngày đó chúng mình” của ông, tôi cũng là người tái bản, khi ông ngỏ ý muốn được in lại. Thuở đó, hai hoạ sĩ tôi nhờ trình bày bìa các tập nhạc nhiều nhất là Hồ Thành Ðức và Nguyên Khai. (Cả hai người này, hiện cư ngụ tại quận hạt Orange County.)
Vì công việc đòi hỏi, tôi thường phải liên lạc với nhạc sĩ Phạm Duy. Sự gặp gỡ của chúng tôi, không chỉ là chuyện bản quyền mà, còn là nhu cầu thỏa thuận với nhau, trong việc chọn lựa các bản nhạc cho từng chủ đề hoặc, chia đều những bản nhạc “ăn khách” cho nhiều tuyển tập khác nhau.
Một buổi tối, tôi đến gặp họ Phạm ở cư xá Chu mạnh Trinh, Phú Nhuận. Sau khi giao cho ông bản lay out một tập nhạc mới (để ông dò lại phần nốt nhạc, trước khi bỏ in;) tôi đưa ông cuốn thơ “Thiên Tai” của Nguyễn Tất Nhiên. Nhờ ông, nếu được, phổ nhạc hộ một bài cho Nhiên. Tôi kể thật với ông rằng, từ nhiều tháng qua, Nhiên mơ ước một lần có thơ đăng trên tạp chí Văn. Nhưng tôi không giúp được. Tôi thất bại. Lần nào Trần Phong Giao cũng bảo tôi, thơ học trò. Không đăng được. Có lần họ Trần còn nói thẳng với tôi rằng:
“Mày đừng đưa thơ thằng này cho tao nữa. Thơ của nó không thích hợp với báo Văn…”
Nhạc sĩ Phạm Duy nhận lời. Tôi biết, ngoài những bài thơ chọn để phổ nhạc, ông còn có tài phổ nhạc bất cứ một bài thơ nào, nếu tác giả tìm đến, nhờ cậy. Vấn đề còn lại, như phổ biến, in ấn… thuộc về nhà thơ đó. Ông hoàn toàn “vô can.”
Ba ngày sau, trong một lần gặp lại nhau vì công việc, nhạc sĩ Phạm Duy cho biết, ông đã phổ gần xong, bài “Thà như giọt mưa.” Ông nhờ tôi nhắn Nhiên lên gặp ông. Trước khi tôi về, ông nói, nán lại chút, để ông hát thử cho nghe. Những chỗ chưa có ca từ thì ông “ư… ư…” Hát xong, ông cười, bảo, kinh nghiệm của ông, cho biết nó sẽ là một bản nhạc “ăn khách.”
“Tôi nghĩ, tụi trẻ sẽ thích lắm, với cái ‘triết lý nôm na’… “Có còn hơn… không. Có còn hơn… không” này.
Ngay hôm sau, Nhiên từ Biên Hoà về, “bay” thẳng đến nhà Phạm Duy.
Bản nhạc ra đời với những chi tiết không hề có trong bài thơ. Cụ thể như câu “Khiến người tên Duyên đau khổ muôn niên,” cùng nhiều câu khác.
Ðó là phần lời thêm vào do nhạc sĩ viết, căn cứ vào những gì Nhiên kể.
Ðúng như nhạc sĩ Phạm Duy tiên đoán, chỉ trong một thời gian rất ngắn, bản nhạc đã trở thành “top hit.”
Về khả năng “bắt mạch thị trường,” các nhạc sĩ thời đó, đã “bầu” nhạc sĩ Phạm Duy là “Vua của các vua.” Nên không ai ngạc nhiên, khi thấy Phạm Duy liên tiếp phổ thêm một số thơ của Nguyễn Tất Nhiên, như “Hai năm tình lận đận,” “Em hiền như ma Sơ”…
Qua những ca khúc vừa kể, một sớm một chiều, Nguyễn Tất Nhiên nổi tiếng khắp nơi – Như một hiện tượng, chưa từng xảy ra. Ngược hẳn với sự “yên ắng” của các diễn đàn văn học: Không một bài thơ nào của Nhiên, xuất hiện.
Sự nổi tiếng mau chóng và ồn ào này, đưa Nhiên tới việc được Ðinh Tiến Luyện, Phạm Chu Sa ở tuần báo “Tuổi Ngọc” (của Duyên Anh) xin thơ.
Sự “bộc phát” giao thiệp của Nhiên, từ cái “gốc” là toà soạn Tuổi Ngọc, đã dẫn tới những bất ngờ khác cho tôi. Ðó là sự kiện, Nhiên đem về nhà, giới thiệu với tôi, rất nhiều người bạn mới của Nhiên! Khi thì Vũ Hữu Ðịnh, Phạm Chu Sa. Khi thì Ngụy Ngữ, Nguyễn Ðăng Hà. Lúc thì Hoàng Yên Trang, Hạc Thành Hoa (về từ Sa Ðéc.) Khi thì Bùi Thuận, Vũ Hà Du, về từ Vũng Tầu…
Căn phòng nhỏ xíu của chúng tôi, nhiều ngày không đủ chỗ ngồi cho Nhiên và các bạn.
Năm 1972, khi nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng thay thế nhà văn Trần Phong Giao trong vai trò Thư Ký tòa soạn Văn, Nguyễn Tất Nhiên lại nhờ tôi đưa bài cho Văn. Tôi cũng kể thật với Hoàng về ước mơ của Nhiên, ít nhất một lần, thấy thơ mình được đăng trên Văn. Ông nhận lời giúp.
Sau khi Nguyễn Tất Nhiên mất ngày 3 Tháng Tám, năm 1992, tại miền Nam California (*), nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng (hiện cư ngụ tại thành phố San Jose,) đã kể lại chuyện này, trong một bài viết có tính cách tưởng niệm Nguyễn Tất Nhiên.
Nhưng, khi nhà văn Mai Thảo, thay thế Nguyễn Xuân Hoàng, trông nom bài vở tạp chí Văn thì, Mai Thảo lại có cùng quan điểm với Trần Phong Giao…
Ðể chấm dứt bài viết này, tôi muốn bước nhanh tới cái mà, tôi tạm gọi là “bất ngờ cuối cùng,” xảy ra một buổi trưa ở phòng Báo Chí, cục Tâm Lý Chiến, Saigon đầu năm 1974.
Ðó là khi tôi được mời qua phòng làm việc của Trung Tá Nguyễn Ðạt Thịnh, (hiện cư ngụ tại Houston, Texas,) trưởng phòng Báo Chí mà, tôi là nhân viên.
Ông kể, nhạc sĩ Phạm Duy mới gặp ông, cho biết, Nguyễn Tất Nhiên đòi Phạm Duy phải đưa cho Nhiên 1 triệu đồng. Nhiên cần tiền mua một chiếc xe Honda, đi học. Nếu không, Nhiên sẽ nhờ luật sư đưa họ Phạm ra tòa.
Sau đó, Trung Tá Thịnh thuật lại lời của nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng, tôi là người “gây họa” cho ông. Bởi vì, nếu tôi không năn nỉ ông phổ nhạc thơ của Nhiên, thì đã không có vụ đòi tiền này. Chưa kể, ngoài phần nhạc, chiếm 50% một ca khúc, của Phạm Duy; ông còn là người viết thêm nhiều câu không có trong nguyên bản bài thơ. Ðiều đó có nghĩa, ngay ở phần ca từ, ông cũng đã chiếm tới 25%. Tóm tắt, mỗi ca khúc phổ từ thơ Nguyễn Tất Nhiên, phần của Phạm Duy là 75%. Phần Nguyễn Tất Nhiên chỉ có 25%. Chưa kể:
“Nếu không có Phạm Duy thì ai biết Nguyễn Tất Nhiên là ai?!”
Ðấy là câu hỏi nhạc sĩ Phạm Duy nhờ Trung Tá Thịnh chuyển cho tôi, để tôi chuyển cho Nhiên.
Người xếp trực tiếp của tôi kết luận:
“…Ðã không phải trả tiền cho nhạc sĩ thì thôi, nay lại đòi tiền bản quyền thì… đó là điều có phần quá đáng…”
Kết thúc câu chuyện, Trung Tá Nguyễn Ðạt Thịnh muốn tôi thuyết phục Nhiên, hủy bỏ vụ đe dọa kiện cáo. Nhạc sĩ Phạm Duy đồng ý sẽ đưa Nhiên một khoản tiền, ít hơn con số đòi hỏi. Như một quà tặng chứ không phải là chia tiền tác quyền…
Trước khi trả lời, tôi hỏi Trung Tá Nguyễn Ðạt Thịnh rằng:
“Thưa trung tá, tôi nghĩ không biết có đúng không rằng, chuyện này nằm ngoài công việc của phòng Báo Chí?”
Ông gật đầu:
“Ðúng. Chuyện này nằm ngoài công việc của phòng. Nhưng tôi thấy anh Nguyễn Tất Nhiên đối xử với ông Phạm Duy như thế, có phần không đúng. Và, tôi cũng nghĩ như ông Phạm Duy, anh là người duy nhất có thể can thiệp. Vì thế mà ông ấy tìm đến đây…”
Tôi cũng gật đầu:
“Vâng. Thưa trung tá, nhưng đó là việc riêng giữa cá nhân tôi với ông Phạm Duy và Nguyễn Tất Nhiên…”
“Nhưng ý anh ra làm sao?” Trung Tá Thịnh sốt ruột, hỏi.
Tôi đáp:
“Xin trung tá nói hộ với nhạc sĩ Phạm Duy rằng, ông ấy nên đưa Nguyễn Tất Nhiên số tiền mà Nhiên nó đòi. Nếu không, tôi cũng sẽ đứng về phía nó!”
Cuối cùng, dường như nhạc sĩ Phạm Duy đã trả cho Nhiên một khoản tiền… Tôi không biết, cũng không hề hỏi con số. Nhưng tôi nghĩ, nhiều phần, là con số không nhỏ.
Tôi dùng hai chữ “dường như’ vì kể từ khi chúng tôi dọn nhà về Làng Báo Chí, phía bên kia cầu Xa Lộ (trước khi vụ Nhiên đòi chia bản quyền trở thành ồn ào,) Nhiên rất ít tìm tôi.
Trước 30 Tháng Tư, 1975, tôi có gặp lại Nhiên một lần, ngay trước phòng Báo Chí, cục Tâm Lý Chiến. Nhiên đến tìm tôi, với chiếc xe Honda, còn rất mới.
Du Tử Lê,
(Calif. Tháng Mười Một, 2009)
Chú thích:
(*) Nguyễn Tất Nhiên tên thật Nguyễn Hoàng Hải, sinh ngày 30 Tháng Năm, năm 1952, tại quận Ðức Tu, tỉnh Biên Hoà.

2 comments:

  1. ÔI dài quá! Đọc mệt nghỉ. Khi nào bác kiếm một số bài thơ NTN post lên cho bạn bè thưởng ngoạn với bác nhé.

    ReplyDelete
  2. “Ðời, vốn không nương người thất thế
    Thì thôi, ô nhục cũng là danh!”...
    "Tệ hơn nữa, có kẻ quá đỗi thường tình, chỉ thích chí khai thác những chuyện tư riêng eo xèo đời mọn của những nhân tài này thay vì thưởng ngoạn những tinh hoa mà họ đã chắt lọc từ phía con người bất toàn kia để cống hiến cho đời...."

    Bỏ bố nhà anh Du tử Lê: Dê tử lu: "Dê chết lăn...quay", cứ tưởng không còn ai biết đến cái thằng thi sĩ tỉnh lẻ ấy chứ! Tẽn tò cho mấy anh "đại thi soãi", cứ tưởng mình là Cao bá Quát: thiên hạ có vài bồ văn chương thì anh chiếm trọn!
    Minh Thủy (Dân Ngô Quyền BH ai lại không biết cô nường, vừa đẹp vừa có tài viết văn!) quá ư lịch sự, nhẹ nhàng, cho đàn anh vĩ đại một bài học đau hơn hoạn...Hehehe!!!

    Linalon @: Có thể vào đây đọc thơ Nguyễn tất Nhiên: http://www.ngo-quyen.org/D_1-2_2-256/demosite.html

    ReplyDelete