Thursday, August 23, 2012

Cách Làm Thơ Đường Luật

Thơ Đường luật chia làm hai thể:

A. Thất Ngôn Bát Cú hay còn gọi là luật thi.
Thơ thất ngôn bát cú là loại thơ mỗi bài có 8 câu và mỗi câu 7 chữ, tức là chỉ có 56 chữ trong một bài luật thi. Thơ thất ngôn bát cú có thể được làm theo hai luật: luật bằng và luật trắc. Về vần thì cũng có hai loại: vần bằng và vần trắc. Tuy nhiên, các nhà thơ thường hay làm theo vần bằng, tức là luật bằng vần bằng và luật trắc vần bằng.
Tám (8) câu luật thi được chia ra làm 4 phần: Đề, Thuật, Luận, Kết

Thơ luật có từ thời nhà Đường nên cũng gọi là Đường Luật. Luật dựa trên những thanh bằng và thanh trắc trong một câu và niêm giữa các câu với nhau, tạo thành cấu trúc bắt buộc của bài thơ. Thơ luật gồm tám câu, cấu trúc quy định như sau: 


Đề: 2 câu 1,2 mở đầu để nhập đề (cũng gọi là Phá đề) 
Thực: Gồm hai câu 3,4 phải đối nhau từng lời và ý, nói rõ chủ đề của bài thơ. (thực còn được gọi là thuật) 
Luận: Gồm hai câu 5,6 cũng theo luật đối lời đối ý của các câu thực, nhằm tăng ý chính của bài. 
Kết: hai câu cuối cùng, chuyến ý và thâu tóm ý tưởng của bài thơ hoặc có một tứ lạ gây thêm cảm xúc cho người đọc.
Phần sau này có phần rắc rối đây, ta phải tỉ mỉ mới được.

Luật 1. "Nhất, tam, ngũ bất luận. Nhị, tứ, lục, thất phân minh"... Ta có thể nghĩ là chữ thứ 1, 3, 5 trong mỗi câu thơ không cần phải theo vần bằng hay là trắc, nhưng chữ thứ 2, 4, 6 và 7 phải theo đúng vần bằng, trắc và niêm cho thật rõ ràng.(chữ màu xanh ở dưới) 

Luật 2: Chữ thứ 7 của câu 1, 2, 4, 6, 8 phải theo vần với nhau 
Luật 3: Câu thứ 3 và 4 phải đối với nhau cả vần lẫn nghĩạ (danh từ đối danh từ, động từ đối động từ, tĩnh từ đối tĩnh từ .. vân vân và vân vân.) 
Luật 4: Câu thứ 5 và 6 phải đối với nhau cả vần lẫn nghĩạ (như luật 3)
Niêm : Những chữ phải đi cặp với nhau và dính với nhau.
Câu 2 niêm với 3. Bằng trắc phải rõ ràng.

Câu 2. B B T T T B B

Câu 3. T B T T B B T
Câu 4 niêm với 5. Câu 6 niêm với 7 và câu 8 niêm với 1.


Cách sắp đặt tiếng bằng trắc (luật thơ) trong các câu của bài thơ thất ngôn bát cú :


Luật Trắc-vần bằng:

Câu 1- T T B B T T B (vần) 

Câu 2- B B T T T B B (vần) 
Câu 3- T B T T B B T
Câu 4- B T B B T T B (vần) 
Câu 5- T T B B B T T
Câu 6- B B T T T B B (vần) 
Câu 7- B B T T B B T
Câu 8- T T B B T T B (vần)

Lấy bài thơ "Thăng Long Thành Hoài Cổ" của bà Huyện Thanh Quan ra làm mẫu: 


Tạo hoá gây chi cuộc hỉ trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa, dấu ngựa hồn thu thảo
Nền , lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn bền gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cao mặt với tang thương
Nghìn năm gương soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường

Luật Bằng- vần bằng: 
Câu 1B B T T T B B 

Câu 2 - T T B B T T B 
Câu 3 - T T B B B T T 
Câu 4 - B B T T T B B 
Câu 5 - B B T T B B T 
Câu 6 - T T B B T T B 
Câu 7 - T T B B B T T 
Câu 8 - B B T T T B B


Lấy bài “Tôn Phu Nhân Qui Thục” (Bài họa của Phan Văn Trị) làm mẫu: 


Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng
Mặt ngả trời chiều biệt cõi đông
Ngút tỏa trời Ngô un sắc trắng
Duyên về đất Thục đượm màu hồng
Hai vaitóc bền trời đất
Một gánh cương thường nặng núi sông
Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết
Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng


B. Thất Ngôn Tứ Tuyệt hay còn gọi là tuyệt cú. 

Thực ra thơ tứ tuyệt hay tuyệt cú đã xuất hiện trước khi có thơ thất ngôn và ngũ ngôn bát cú. Mới đầu, thơ tứ tuyệt hay tuyệt cú có nghĩa khác với nghĩa sau này: “tứ” là bốn và “tuyệt” có nghĩa là tuyệt diệu. Chỉ có 4 câu mà bài thơ diễn tả đầy đủ ý nghĩa của tác giả muốn trình bày nên người ta mới gọi 4 câu thơ đó là tứ tuyệt hay tuyệt cú. Tuy nhiên, sau khi có thơ thất ngôn hay ngũ ngôn bát cú (luật thi) vào đời nhà Đường , thơ tứ tuyệt (tuyệt cú) lại phải được làm theo quy tắc về niêm, luật, đối, và vần của lối thơ thất ngôn hay ngũ ngôn bát cú. Chính vì thế , sau này người ta giải thích chữ “tuyệt” là ngắt hay dứt. Điều này có nghĩa là thơ tứ tuyệt là do người ta làm theo cách ngắt lấy 4 câu trong bài bát cú để làm ra bài tứ tuyệt. Vì vậy niêm, luật, đối, và vần của bài tứ tuyệt phải tùy theo cách ngắt bài bát cú mà thành. 

Cách ngắt những câu trong bài bát cú để làm thành bài tứ tuyệt như sau: ngắt 4 câu đầu, ngắt 4 câu giữa, ngắt 4 câu cuối, ngắt 2 câu đầu và 2 câu cuối, và ngắt 2 câu đầu và 2 câu số năm và số sáu. Vậy ta có 5 cách ngắt bài bát cú để làm thành 5 bài tứ tuyệt, mỗi bài vẫn đủ ý, đúng niêm luật, và đối đúng cách. Tuy nhiên, ta có thể làm ngay một bài tứ tuyệt, thất ngôn hay ngũ ngôn, theo đúng luật thơ của cách ngắt bài tứ tuyệt từ bài bát cú mà không cần phải làm bài bát cú rồi mới ngắt ra. Cách giải thích này cốt cho ta thấy rằng có nhiều cách làm thơ tứ tuyệt. Điều này có nghĩa là khi ta làm một bài tứ tuyệt, ta phải theo niêm, luật, đối, và vần của một trong năm bài tứ tuyệt được ngắt ra từ bài thất ngôn hay ngũ ngôn bát cú. 

Sau đây là thí dụ về cách ngắt bài thất ngôn bát cú thành ra 5 bài tứ tuyệt và bài nào cũng đủ ý và đúng luật. 

Bác Từ Vịnh
Rung chuông gõ mõ Bác Từ ta 
Lẩn quẩn trong sân sớm tới tà 
Kinh kệ ẩn từ mường chẳng hiểu 
Sách đèn mờ ảo tưởng không ra 
Cơm chay hai bữa nghe chừng đủ 
Nước lã dăm lần sống cũng qua 
An phận mõ chuông thanh thản hoá 
Hòa đàn vô chướng ngại gì ma!

Bài trên được ngắt thành 5 bài tứ tuyệt theo năm cách sau: 4 câu đầu, 4 câu cuối, 4 câu giữa, 2 câu đầu và 2 câu cuối, 2 câu đầu và 2 câu năm sáu:


1. Rung chuông gõ mõ Bác Từ ta 

Lẩn quẩn trong sân sớm tới tà 
Kinh kệ ẩn từ mường chẳng hiểu 
Sách đèn mờ ảo tưởng không ra


2. Cơm chay hai bữa nghe chừng đủ 

Nước lã dăm lần sống cũng qua 
An phận mõ chuông thanh thản hoá 
Hòa đàn vô chướng ngại gì ma!.


3. Kinh kệ ẩn từ mường chẳng hiểu 

Sách đèn mờ ảo tưởng không ra 
Cơm chay hai bữa nghe chừng đủ 
Nước lã dăm lần sống cũng qua


4. Rung chuông gõ mõ Bác Từ ta 

Lẩn quẩn trong sân sớm tới tà 
An phận mõ chuông thanh thản hoá 
Hòa đàn vô chướng ngại gì ma!.


5. Rung chuông gõ mõ Bác Từ ta 

Lẩn quẩn trong sân sớm tới tà 
Cơm chay hai bữa nghe chừng đủ 
Nước lã dăm lần sống cũng qua.



Bài thất ngôn tứ tuyệt có thể được làm riêng rẽ, không cần ngắt ra từ bài bát cú. Lý Thường Kiệt làm bài thơ tứ tuyệt sau đây khi ông đem quân chống quân nhà Tống (1076). Sở dĩ ông làm ra bài thơ này là vì quân nhà Tống đánh trận hăng lắm, ông đã đem hết sức chống giặc nhưng vẫn sợ quân mình ngã lòng nên mới đặt ra câu chuyện nói rằng có thần ban cho 4 câu thơ để củng cố lòng hăng say đánh giặc của quân lính. Bài này được làm theo cách ngắt của 4 câu đầu của bài bát cú: luật trắc vần bằng,(vần 3 chữ) hai câu cuối đối nhau: 

Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư, 
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. 
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm? 
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.


Sự phối trí thanh và âm
Bằng là bằng phẳng, đều đều, bình thường; trắc là nghiêng lệch. Âm thanh đang ở mức bình thường (bình thanh) chợt bổng lên cao hay đổ xuống thấp hơn (trắc thanh).
Nếu lựa từ sao cho có âm và thanh tương hợp thì khi đọc lên sẽ nghe êm tai, ta gọi lời văn có vần. Hai tiếng vần với nhau khi có âm tương tự và có cùng thanh (hoặc là cùng bình thanh hoặc là cùng trắc thanh). Trong thơ, vấn đề hợp vần là điều cốt yếu. Sự phối trí âm thanh nhịp điệu là yếu tố cơ bản của thơ.


1.    Vần có 2 thứ:
a. Bằng: những chữ không dấu hoặc dấu huyền —Thí dụ : hai, hài
b. Trắc: những chữ có dấu hỏi, ngã, sắc, nặng —Thí dụ : hải, hãi, hái, hại.
Tiếng bình không vần với tiếng trắc: hai không vần với hải.

Thí dụ câu thơ song thất lục bát : 


Cùng trông mà lại cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng, ý thiếp, ai sầu hơn ai? 

Những tiếng "thấy", "mấy" cùng phát ra một âm "ây" cùng gieo trắc thanh. Những tiếng "dâu", "màu", "sầu" có âm "âu" và "au" tương tự, cùng gieo bình thanh. Tất cả từng cặp một như thế gọi là vần với nhau.


2. Vần thể giàu hay nghèo:

a. Vần bằng giàu: những tiếng có cùng âm và thanh như 

Phương, sương, cường, trường .

.Vần trắc giàu: những tiếng có cùng âm và thanh như 

Thánh, cảnh, lãnh, ánh .

b. Vần bằng nghèo: đồng thanh nhưng với âm tương tự 

Minh, khanh, huỳnh, hoành .

.Vần trắc nghèo : đồng thanh nhưng với âm tương tự 

Mến, lẽn, quyện, hển .


Mình yêu thơ thì hãy cứ làm thơ một cách tự nhiên trước, miễn sao diễn tả được ý của mình và có âm điệu là được. Có Đường luật thì cũng có cổ phong, có lục bát thì cũng có biến thể lục bát. Rồi dần dần quen đi, mình sẽ làm thơ một cách dễ dàng, xuất khẩu thành thơ, và tự nhiên thành luật. Đừng vì niêm luật hay đối quá mà làm bài thơ gượng gạo mất hồn thơ của các mình đi. Muốn làm thơ một cách tự nhiên và cảm động được lòng người, mình cần phải có tâm hồn thơ và yêu thơ. Kế tiếp mình phải tìm đọc những tác phẩm trứ danh trong văn chương như Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Bà Huyện Thanh Quan, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Hồ Dzếnh, thơ Xuân Diệu, thơ TTKH, thơ Nguyễn Bính, thơ Vũ Hoàng Chương, thơ Bàng Bá Lân, thơ Chu Mạnh Trinh, thơ Tản Đà, thơ Nguyễn Công Trứ, thơ Nguyễn Khuyến, thơ Thế Lữ, và ca dao, v.v. Không những đọc mà mình còn phải học thuộc lòng để đưa vào tiềm thức những cung điệu, những tứ thơ kỳ diệu, và những chất liệu giúp mình làm thơ một cách tự nhiên hơn. Khi có hồn thơ lai láng, hãy cứ viết ra cho hết ý, rồi đọc lại để kiểm soát niêm luật sau. Cứ như thế mình sẽ đi vào thơ một cách tự nhiên. Ôn rồi, ngày mai thong thả sẽ dzợt lại.


Đường Luật: Các Cổ Thể trong Đường Thi
Trong thơ Đường Luật ở VN được lưu hành ngàn năm nên cũng có đóng góp thêm khá phong phú đó là lối thơ độc đáo , thể thơ nầy văn ngôn không có lưu truyền lại nhưng trong thơ Nôm lại được ghi nhận là một tài hoa. Thơ nầy phù hợp với tính vui nhộn nghịch ngợm của các thầy nho VN trong các cuộc thù tạc, gặp mặt thi tài nhau, một số lưu lại có tên tuổi, nhưng đa số là khuyết danh.


1) Thủ Vĩ Ngâm


Loại thơ nầy câu đầu và câu cuối (câu 1 và câu 8) là một, để nhấn mạnh ý tứ bài thơ. 

Thí dụ: 
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu 
Rượu cúc nhắc đem , hàng biếng quẩy 
Trà sen mượn hỏi , giá còn kiêu 
Bánh đường sắp gói ,e nồm chảy 
Giò lụa toan làm sợ nắng thiu 
Thôi thế thì thôi đành tết khác 
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo
Trần Tế Xương


2)Thể Thơ Bỏ Lững


Thể nầy gọi là Tiệt Hạ (bỏ lững câu cuối), mỗi câu thơ ở phần cuối dùng từ lấp lững không tròn nghĩa để người đọc tự đoán lấy mà hiểu ... 
Thí dụ:

Người Đâu 

Thác bức rèm châu chợt thấy Mà ... 
Chẳng hay người ấy có hay Là... 
Nét Thu dợn sóng hình như Thể... 
Cung Nguyệt quang mây nhác ngỡ Là... 
Khuôn khổ ra chiều người ở Chốn... 
Nết na xem phải thói con Nhà... 
Dở dang nhắn gửi xin thời Hãy... 
Tình ngắn tình dài chút nữa Ta... 
Khuyết Danh 

NHẮN AI 
Tơ đồng réo rắt điệu NHƯ ĐANG... 
Thánh thoát du dương đến TỪ ĐÀNG... 
Khi bổng khi trầm như SẮP ĐẢ... 
Lúc buồn lúc oán giống DƯỜNG MANG... 
Bi ai thống thiết nghe MÀ MUỐN... 
Thảm nảo thê lương ngỡ PHẢI CHĂNG ... 
Lỡ phận gởi người xin ĐÓ HÃY... 
Tình đà dang dỡ có CÒN THAN...


3)Thể chữ Cuối Gợi Âm ( Vĩ Tam Thanh)


Thể nầy gọi Là Vĩ Tam Thanh , cuối câu có ba âm thanh , thuộc thể nghịch ngợm ... 

Thí dụ: 

Buổi Sớm
Tai nghe gà gáy Tẻ Tè Te 
Bông cúc vừa lên Hé Hẻ Hè 
Non một chồng cao Von Vót Vót 
Hoa năm sắc nở Loẻ Loè Loe 
Chim tình bầu bạn Kia Kìa Kỉa 
Ong nghĩa vua tôi Nhẹ Nhẻ Nhè 
Danh lợi mặc người Ti Tỉ Tỉ 
Ngũ trưa trưa dậy Khoẻ Khoè Khoe 
Khuyết Danh 

MÙA GẶT 

Ai đang nhẩy múa LÁ LÀ LA 
Mùa gặt thu mua CẢ CÁ CÀ 
Tay bắt mặt mừng KHOE KHOẺ KHOẺ 
Miệng cười môi hát HÁ HÀ HA 
Sương chiều lộng gió VI VI VÚT 
Nắng xế che mây NGÃ NGÃ NGÀ 
Bướm lượn vườn hoa NHƠN NHỠN NHỠN 
Sắc hương nồng thắm XÃ XÀ XA


4)THỂ CẶP TỪ TRÙNG


Thể nầy gọi là Song Điệp ( cặp từ trùng nhau) còn gọi là thể Điệp Từ 
Thí dụ: 

SỰ ĐỜI 
Vất Vất , Vơ Vơ cũng nực cười 
Căm Căm , Cúi Cúi có hơn ai 
Nay còn Chị Chị ,Anh Anh đó 
Mai đã Ông Ông , Cụ Cụ rồi 
Có Có , Không Không lo hết kiếp 
Khôn Khôn , Dại Dại chết xong đời 
Chi bằng Láo Láo ,Lơ Lơ vậy 
Ngủ Ngủ ,Ăn Ăn nói chuyện chơi 
Khuyết Danh 

THÓI ĐỜI 
Lơ lơ, lững lững cứ thầm say 
Chán chán , chê chê những chuỗi ngày 
Thẩn thẩn , thờ thờ câu thế sự 
Ngơ ngơ , ngác ngác chuyện trần ai 
Còn tiền đệ đệ , huynh huynh viếng 
Hết bạc ông ông , tớ tớ bay 
Hững hững . hờ hờ cho hết kiếp 
Cười cười , nói nói thói đời nay


5)THỂ LIÊN HOÀN


Thể nầy thường gồm nhiều bài , câu cuối của bài đầu thành câu đầu của bài sau .thể nầy có thể dùng hai chữ cuối bài đầu làm hai chữ đầu của bài sau , hoặc dùng 3, 4,5, 7 chữ .... 

Thí dụ: 

HỦ NHO TỰ TRÀO 
Ngán nổi nhà nho bọn hủ ta 
Hủ sao hủ gớm hủ ghê mà 
Thơ suông nước ốc còn ngâm váng 
Rượu bự non chai vẫn chén khà 
Múa mép rõ ra văn chú chiệc 
Dài lưng quen những thói con nhà 
Phen nầy cái hủ xua đi hết 
Cứ để hù nhau hủ mãi a 

Cứ để hù nhau hủ mãi a 
Cười ta ta cũng biết rằng ta 
Trót quen nho nhã đầu khăn lượt 
Hoà kém văn minh cổ áo là 
Khó vậy làm em ,giàu đả chị 
No thì nên bụt ,đói ra ma 
Nay đương buổi học ganh đua mới 
Còn giử lề xưa mãi thế mà 

Tình Si Tử 

(Câu cuối trở lại câu thơ đầu của bài ) 

CẢNH SẮC BA MIỀN 
Ngâm hát vài câu tỏ chút lòng 
Cố hương yêu dấu mãi nghìn trông 
Nam Quan đất mẹ khơi niềm nhớ 
Bắc Ải quê cha gợi nổi mong 
Lịch sử oai hùng tô gấm vóc 
Văn chương thanh nhã điểm non sông 
Ít dòng tha thiết về bên ấy 
Lưu luyến ngậm ngùi lệ mãi đong

Mãi đong hình bóng một quê hương 
Nam tú , Huế thanh ,Bắc phú cường 
Thiên Mụ đôi bờ xanh bóng Liễu 
Vân Lâu dọc bến mát hàng Dương 
Chiều trông núi Ngự mây vờn gió 
Xế ngắm Sông Hương khói quyện sương 
Vĩ Dạ thôn nghèo Cau thẳng tấp 
Trường Tiền mấy nhịp mấy ngàn thương 

6)THỂ XUÔI NGƯỢC

Còn gọi là Thuận Nghịch Đọc nghĩa là đọc xuôi cũng được hay đọc ngược cũng được, đọc từ trên xuống và ngược từ dưới lên trên đều được cả .còn có thể bỏ 2, 3 ,4 chữ đọc ngược xuôi tuỳ ý 

Thí dụ:

Đền Ngọc Sơn ( đọc xuôi)
Linh uy nổi tiếng thật là đây
Nước chắn , hoa rào một khoá mây
Xanh biếc , nước soi hồ lộng bóng
Tím bầm rêu mọc đá tròn xoay
Canh tàn lúc đánh chuông ầm tiếng
Khách vắng khi đưa ,xạ ngát bay
Thành thị, tiếng vang dồn thích thú
Rành rành nọ bút với nghiên nầy

Đền Ngọc Sơn ( đọc ngược )
Nầy nghiên với bút nọ rành rành
Thú thích dồn vang tiếng thị thành
Bay ngát xạ đưa khi vắng khách
Tiếng ầm chuông đánh lúc tàn canh
Xoay tròn đá mọc rêu bầm tím
Bóng lộng hồ soi nước biếc xanh
Mây khoá một rào hoa chắn nước
Đây là thật tiếng nổi uy linh
Vô Danh

7) Thơ Xướng Hoạ

Xướng Hoạ là thể thơ khá phổ biến trong thơ Đường Luật , người kia Xướng một bài, người sau hoạ theo 
Cách hoạ là phải giữ nguyên vần của người Xướng , nhưng từ đứng trước vần không được lập lại từ trước vần của bài Xướng 

Thì dụ:

(Bài Xướng )

TÔN PHU NHÂN QUI THỤC
Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Ngàn Thu rạng tiết gái Giang Đông
Lìa Ngô bịn rịn chòm râu bạc
Về Hán trao tria mảnh má hồng
Son phấn thà cam đầy gió bụi
Đá vàng chi để thẹn non sông
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
Thà mất lòng anh được bụng chồng
Tôn Thọ Tường

(Bài Hoạ )

Cài trâm xốc áo vẹn câu tòng
Mặt ngả trời chiều biệt cõi Đông
Ngút toả trời Ngô un sắc trắng
Duyên về đất Thục đượm màu hồng
Hai vai tơ tóc bền trời đất
Một gánh cương thường nặng núi sông
Anh hởi Tôn Quyền, anh có biết
Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng
Phan Văn Trị

(Bài Xướng)

Bóng Nguyệt Đời Tôi
Trăng là bóng nguyệt, nguyệt đời tôi
Mười sáu tôi mơ mơ cuộc đời
Thơi thái bên dòng dòng chậm chảy
Êm đềm nối gót gót từ trôi
Thơ ngây chớ vội vội mơ ước
Sầu hận đừng về về bóng côi
Trong nguyệt rạng ngời ngời thánh thoát
Trăng mùa lưu viễn viễn ngàn khơi.
Bác Từ

(Bài Hoạ)
Nhân Quả
Nhân quả đời người người có tôi
Vòng xoay luân chuyển chuyển trên đời
Kẻ gieo hạt đắng đắng ngày tới
Người cấy hoa thơm thơm kiếp trôi
Quả ngọt ăn vui vui thoải mái
Trái cay nuốt tủi tủi mồ côi
Tâm tư trĩu nặng nặng cô đọng
Thanh bạch hương tràn tràn bể khơi
Từ Thức

8) Các Thể Thơ Mới:

Thể LƯỠNG ĐẦU XÀ NGHỊCH THIỆT .thể nầy dùng HAI CHỮ ĐẦU LÁY LẠI THÀNH HAI CHỮ CUỐI CỦA CÂU THƠ

Thí dụ:

LƯỠNG THƠ LỠ THƯƠNG
Lưỡng thơ gửi bậu bởi lỡ thương
Thường tấu nàng ơi xin thấu tường
Nuốt rạt trái mơ nên nát ruột
Tương hầm khổ quả mới tâm hường
Tạm thương qua thử đừng tham tượng
Mương lếch đừng nha chớ mếch lương (1)
Thỏ, nhím chung nhà làm thím nhỏ
Nường than chi hỡ bớ nàng thương ?
CH
(1)            mếch = yêu


Vô Danh Khúc
Hoàng hôn thơ thẩn thả hồn hoang
Đàn vọng buồn ngân khúc động vàng
Óng mượt tơ rung lời ước mộng
Tràn ngâm phiếm hoạ tiếng trầm ngang
Giản đơn cung hận như đang giỡn
Than lắm điệu buồn lại thắm lan
Để lộ nổi lòng nên đổ lệ
Tàn buông xế lịm khó buồn tan
TTT...

THỂ NGẮT TỪ

Thể nầy ngắt từ cuối của câu , gây đột ngột cho người đọc , và đặt biệt là cho dù bỏ đi chữ cuối thì bài thơ vẫn còn nghĩa : 

CÂU THƠ CUỘC RƯỢU I

Quế lộ thơm râu, ấm giọng: ngon
Cạn ly thắm nghĩa, đệ huynh: tròn
Thi nhân ấy khách tài hoa: quý
Hào kiệt vốn người nghia khí: tôn
Danh lợi mặc đời , ai hỏi : bán
Thảnh thơi, tôi bạn dốc bầu : tuôn
Rượu thơ rủng rỉnh, tình chan: chứa
Xướng hoạ đôi câu, Quên hết: buồn
CH

Bài hoạ

Rượu vừa mới nếm gật đầu : ngon
Bạn đó tôi đây nghĩa thắm : tròn
Tứ hải tao phùng hào kiệt : quý
Ngũ hồ tri ngộ sĩ nhân : tôn
Bán mua danh lợi tuỳ người : bán
Say xỉn sự đời mặc tớ : tuôn
Ca phú thi từ vui hát : hoạ
Vùi chôn ký ức nổi đau : buồn
TTT...


THƠ KHOÁN THỦ:
Thể thơ được viết bằng các chữ Khởi Đầu là một câu thơ :

Thí dụ:

Em Ơi Nếu Mộng Không Thành Thì Sao

EM vui duyên mới lệ anh vương
ƠI cảnh trần gian lắm đoạn trường
NẾU cuối thu vàng sầu cách biệt
MỘNG đầu đông biếc khóc ly hương
KHÔNG gian trầm lắng mờ mây khói
THÀNH phố im lìm quyện gió sương
THÌ gởi tiếng lòng thêm tủi thẹn
SAO khuya buồn rụng cuối sông Tương
Tuấn Sơn

Bài hoạ

THÌ TA HAI ĐỨA CÁCH XA TRỌN ĐỜI

THÌ rồi hai ngã khỏi còn vương
TA nhớ mà chi để đoạn trường
HAI lối một mình xem Cẩm Chướng
ĐỨA về đơn lẽ ngắm THiên Hương
CÁCH chia giữa lúc chiều phai nắng
XA biệt trong mùa xế lộng sương
TRỌN kiếp không thành thôi lở hẹn
ĐỜI đời ôm ấp mộng sầu tương.



6 comments:

  1. Mình thích thể Thơ "thất ngôn Bát cú" theo luât trắc vầ bằng.cảm ơn bạn về entry này.

    ReplyDelete
  2. Không có chi!
    Cứ tự nhiên đọc và tìm hiểu nhé!

    ReplyDelete
  3. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  4. Luật bằng vần trắc bên này nó hiển thị kỳ quá,nó không xuống hàng mà dính liền nhau.

    ReplyDelete
  5. Người đi dải nắng cũng tàn phai
    Gió rít âm vang tựa nhớ ai
    Ngõ vắng thênh thang buồn lạnh lẽo
    Đêm dài lắm mộng tiếc u hoài.
    Ngày xưa chẳng biết buồn và nhớ
    Đắm đuối bên nhau suốt tháng ngày
    Lúc vắng người rồi,hồn chợt tỉnh
    Ôm hoài tiếc nuối thuở kề vai.

    ReplyDelete
  6. Thơ hay lắm!
    Cám ơn đã chia sẻ.

    ReplyDelete