Thursday, August 23, 2012

• Lam Sơn khởi Nghĩa


Kháng chiến Lam Sơn dũng sĩ đầy
Chi Lăng chặn viện quyết bao vây
Nghĩa quân Lê (*) tướng hào hùng tiến
Xâm lược nhà Minh đại bại đây
Trên núi Mã Yên thù tan xác
Thành quách Xương Giang giặc nát thây
Liễu Thăng thủ cấp ghim đầu giáo
Bình Định Vương kỳ phất phới bay!
Bác Từ
(*)Lê Sát, Lê Nhân Chú, Lê Lãnh, Lê Kiệt và Lê Thụ



Đức Lê Lợi


Kính thưa quý thính giả, hôm nay là ngày 22 tháng 8 năm Nhâm Thìn, chúng ta lại một lần nữa tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc Bình Định Vương Lê Lợi, người đã cùng các hào kiệt phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Minh giành lại độc lập cho dân tộc. Mời quý thính giả theo dõi bài tưởng niệm ngài do Hướng Dương

Đức Lê Lợi sinh ngày 6 tháng 8 năm Ất Sửu, tức ngày 10 tháng 9 năm 1385 vào đời nhà Trần.
Sau khi Hồ Quý Ly ép bức vua Trần dời đô từ Thăng Long vào Tây Đô, và giết hàng loạt quần thần trung thành với nhà Trần, tháng 2 năm Canh Thìn 1400, Hồ Quý Ly truất ngôi của Trần Thiếu Đế, tự lên làm vua lấy quốc hiệu là Đại Ngu, lập nên nhà Hồ.
Năm 1407, triều đình nhà Minh đã nhân cơ hội Hồ Quý Ly cướp ngôi, đưa quân tràn xuống xâm lăng nướt Việt.
Nhà Minh thực hiện chính sách xóa bỏ nền Văn minh sông Hồng bằng cách như đốt, phá các loại sách, văn bia có nói về dân Việt, khiến con dân Việt rất uất ức và căm phẫn.
Mùa xuân năm1416, đức Lê Lợi đã cùng những 17 anh hùng hào kiệt chính thức phất cờ khởi nghĩa tại Lũng Nhai. Ông tự xưng là Bình Định Vương và kêu gọi con dân Việt đồng lòng đứng lên đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh để cứu nguy tổ quốc.
Trong thời gian đầu, lực lượng của quân Lam Sơn chỉ có vài ngàn người, lương thực thiếu thốn, chỉ thắng được vài trận nhỏ và thường hay bị quân Minh đánh bại.
Quân Lam Sơn 3 lần thua trận phải rút chạy vào những năm 1418, 1419, 1422. Một lần ở Mường Một, bị quân Minh vây đánh phải chạy về Trịnh Cao quân sĩ hết lương thực, may nhờ dũng tướng Lê Lai giả làm Lê Lợi, dẫn quân ra ngoài đánh quân Minh và bị bắt. Quân Minh tưởng là bắt được chúa Lam Sơn nên lơi lỏng vòng vây, đức Lê Lợi và các cận tướng thừa cơ mở đường vượt thoát.
Năm 1424, đức Lê Lợi quyết định đưa quân vào đồng bằng Nghệ An. Trên đường đi, quân Lam Sơn hạ thành Đa Căng, Trà Long, tướng Cầm Bành đầu hàng. Sau đó sai Đinh Liệt mang quân vào đánh Nghệ An, Trần Trí thua chạy về Đông Quan.
Đức Lê Lợi sai Đinh Lễ đem quân ra đánh Diễn Châu, quân Minh thua chạy về Tây Đô. Đến cuối năm 1425, đức Lê Lợi làm chủ tình hình toàn bộ đất đai từ Thanh Hóa trở vào, các thành địch đều bị bao vây.
Sau chiến thắng Tốt Động, đầu năm 1427, ngài sai Trần Nguyên Hãn và Bùi Bị chia hai đường thủy bộ tiến đánh Đông Quan. Tướng Minh là Thái Phúc nộp thành Nghệ An xin hàng. Tướng Liễu Thăng và Lương Minh của giặc Minh bị 2 tướng Lê Sát, Trần Lựu phục binh giết chết tại Chi Lăng. Một vạn quân tan hàng, Lý Khánh tự vẫn. Đức Lê Lợi sai Trần Nguyên Hãn chặn đường vận lương, sai Phạm Vấn, Nguyễn Xí tiếp ứng cho Lê Sát cùng tiến đánh giết 2 vạn quân Minh ở Xương Giang, tướng Hoàng Phúc và 3 vạn quân Minh đầu hàng, Thôi Tụ không chịu hàng nên quân Lam Sơn bị giết.
Khi Vương Thông rút quân về nước, các tướng muốn rượt theo giết để trả thù tội ác khi cai trị Việt Nam, nhưng đức Lê Lợi không đồng ý nên cấp thuyền và ngựa cho quân Minh lui về.
Đức Lê Lợi sai Nguyễn Trãi thảo bài "Bình Ngô đại cáo" để bá cáo cho thiên hạ biết về việc đánh giặc Minh. Đây là áng văn chương nổi tiếng, rất có giá trị đời Lê, được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai sau bài thơ Nam quốc Sơn hà của Lý Thường Kiệt.
Đức Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế năm 1428, tức là vua Lê Thái Tổ, chính thức dựng lên vương triều Lê. Ông khôi phục quốc hiệu Đại Việt, đóng đô ở Thăng Long và đổi tên Thăng Long thành Đông Kinh.
Thời kỳ dựng lại Đại Việt của đức Lê Lợi thật khó khăn, do hậu quả tận diệt văn hóa Việt của quân xâm lược trước đó. Các tài liệu, thư tịch, văn học, nghệ thuật bị tàn phá nặng nề, các học giả và nhân tài của Đại Việt bị bắt đem về Tàu... Nhưng sức bật của truyền thống chống ngoại xâm và nền văn minh có gốc rễ sâu bền mới là sức mạnh tạo nên chiến thắng.
Sau thời kỳ độc lập hơn 400 năm kể từ thế kỷ thứ 10, Đại Việt có nguy cơ trở lại thành quận huyện của Tàu. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của đức Lê Lợi đã chấm dứt 20 năm cai trị của nhà Minh. Đức Lê Lợi là vị vua có công đánh đuổi quân Minh xâm lược, sáng lập nhà Hậu Lê, triều đại tồn tại lâu nhất trong lịch sử Việt Nam.
Thành kính dâng lên nén hương lòng, để tưởng nhớ công ơn của ngài và thế hệ Lũng Nhai, những anh hùng có công đánh đuổi giặc Minh, giành lại độc lập cho dân tộc.


1 comment: