Wednesday, August 15, 2012

Người Công Giáo là ai?

Người Công giáo (hay Tín đồ Công giáo) là người tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu, chịu phép rửa theo nghi thức của Giáo hội Công giáo Rôma và là thành viên trong cộng đồng giáo hội. Không ai có quyền khai trừ một người Công giáo ra khỏi tổ chức giáo hội, trừ khi người ấy bị một vạ tuyệt thông. Người Công giáo phải tuân thủ các giáo lý, giáo luật và truyền thống của Giáo hội Công giáo, thể hiện rõ nhất là việc tham dự Thánh lễ Chúa nhật hằng tuần.
Mọi người Công giáo đều có thể gọi mình là Kitô hữu, nhưng không phải Kitô hữu nào cũng là người Công giáo, bởi vì một số tín đồ của một số giáo phái Kitô giáo khác cũng tự coi mình là Kitô hữu như: Tin Lành, Chính Thống giáo, Anh giáo...
Trong lịch sử, nhiều người Công giáo phương Tây đã có những đóng góp to lớn cho nền văn minh nhân loại như: Gregor Mendel, Roger Bacon, Georges Lemaître, Henri Becquerel, Luigi Galvani, Alessandro Volta, André-Marie Ampère, Guglielmo Marconi, Antoine Lavoisier, Vesalius, Augustin Louis Cauchy, J. R. R. Tolkien, C. S. Lewis, William Shakespeare, Michelangelo, Raffaello, Gian Lorenzo Bernini, Francesco Borromini, Leonardo da Vinci...

Linh Mục:
Linh mục là một chức danh giáo sĩ trong Giáo hội dưới quyền giám mục, là người có nhiệm vụ thực hiện chức năng cử hành những lễ nghi tôn giáo.
Khi linh mục được giám mục địa phận sai đến với một cộng đoàn để phụ trách việc thờ phụng ở các giáo xứ hoặc giáo họ hay quản trị một giáo xứ nhất định, thì còn được gọi là linh mục quản xứ, linh mục quản nhiệm, hoặc cha xứ. Khi đó, linh mục quản xứ có thêm chức năng ban các bí tích, và trách nhiệm mục vụ, chăm sóc phần tâm linh cho các giáo dân (Kitô hữu), thăm viếng kẻ liệt, giữ gìn lễ nghi cũng như sự bình an trong giáo xứ với sự chỉ dẫn của vị giám mục.

Giám mục
Giám mục là chức sắc được tấn phong trong một số giáo hội thuộc cộng đồng Kitô giáo, nắm giữ các vị trí quyền lực trong giáo hội.
Trong Giáo hội Công giáo Rôma, giám mục là chức vị tượng trưng cho các tông đồ, trong đó giáo hoàng là tông đồ trưởng, tượng trưng cho Thánh Phêrô. Giám mục do giáo hoàng chọn và chỉ định qua sự tư vấn của Thánh bộ Giám mục hoặc Thánh bộ Truyền giáo. Giám mục được quyền tấn phong chức giám mục, truyền chức linh mục, phó tế, chấp nhận lời khấn dòng của các tu sĩ, đồng thời có quyền ban tất cả bí tích cho giáo dân. Các giám mục cũng là những người trực tiếp cùng với giáo hoàng chia sẻ quyền lực của giáo hội trên toàn cầu để quản trị Giáo hội Công giáo Rôma.

Hồng y
Hồng y là một tước hiệu danh dự trong Giáo hội Công giáo Rôma do giáo hoàng phong, dành cho những người đang đảm nhận các chức vụ chủ chốt trong Giáo triều Rôma hoặc đang cai quản các giáo hội địa phương quan trọng trên khắp thế giới.

Giáo Hoàng
Giáo hoàng là vị Giám mục của Giáo phận Rôma, lãnh đạo tinh thần của các tín hữu Công giáo, tức là chủ chăn tối cao của toàn Giáo hội Công giáo Rôma, tổ chức đã tồn tại hơn 2000 năm qua, và là định chế lâu đời nhất trên thế giới vẫn hoạt động và ảnh hưởng cho đến ngày nay. Giáo hoàng cũng là người đứng đầu quốc gia Vatican, vương quốc nhỏ nhất thế giới được bao bọc bởi thành phố Rôma, Italia. Theo Giáo luật Công giáo Rôma, với tư cách là nguyên thủ quốc gia, Giáo hoàng là người có quyền lập pháp, tư pháphành pháp trọn vẹn trên quốc gia Vatican. Giáo hoàng cũng là thủ lãnh các Giám mục trên toàn thế giới. Giáo hoàng hiện nay là Benedict XVI, người được bầu trong Mật nghị Hồng y vào tháng tư năm 2005.
Khi một vị đăng quang Giáo hoàng, nghĩa là một triều đại Giáo hoàng mới sẽ mở ra. Chức Giáo hoàng là một chức vụ trọn đời, tức là không có nhiệm kỳ. Một triều đại Giáo hoàng chỉ kết thúc khi vị đương kim Giáo hoàng băng hà.
Người ta cũng dùng chữ "Tòa Thánh" (tiếng Anh: Holy See, tiếng Latinh: Sancta Sedes) để chỉ Giáo hoàng và Giáo triều Rôma (Roman Curia), hoặc chữ "Tông Tòa" (tiếng Anh: Apostolic See) vì theo truyền thống của Giáo hội Công giáo Rôma thì hai Thánh Tông Đồ PhêrôPhaolô chịu tử đạo ở Rôma.

Vạ tuyệt thông
Vạ tuyệt thông (hay dứt phép thông công, rút phép thông công) là một hình phạt của Giáo hội Công giáo Rôma dành cho những giáo sĩ và giáo dân phạm trọng tội. Khi một người bị tuyên án vạ tuyệt thông thì về bản chất, người ấy bị tách rời ra khỏi sự "hiệp thông" với những tín hữu khác trong Giáo hội, về hình thức là bị khai trừ khỏi tổ chức Giáo hội. Tuy nhiên, vạ tuyệt thông không phải là Thiên Luật (luật của Chúa) mà là Nhân Luật (giáo luật của Giáo hội), nên vạ tuyệt thông không ảnh hưởng đến mối liên hệ riêng rẽ giữa cá nhân người bị vạ với Thiên Chúa.
Có hai hình thức vạ tuyệt thông:
Vạ tuyệt thông tiền kết: được ấn định cho một số tội. Ngay sau khi phạm, đương sự lập tức bị vạ, không cần Giáo hội phải ra công bố. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay chỉ còn bảy loại vi phạm bị chế tài Vạ tiền kết.
  1. Người bội giáo, lạc giáo hay ly giáo, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết.
  2. Ai ném bỏ Bánh Thánh, lấy hoặc giữ với mục đích phạm thánh, bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
  3. Người nào hành hung Đức Thánh Cha sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
  4. Ai thi hành việc phá thai, và việc phá thai có kết quả, sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết.
  5. Tư tế hành động ngược lại các quy định ở điều 977, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
  6. Linh mục giải tội nào vi phạm trực tiếp ấn bí tích, phải bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
  7. Giám mục nào không có ủy nhiệm thư giáo hoàng mà phong chức giám mục cho người khác, cũng như người nào được thụ phong do giám mục ấy sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
Trong bảy qui định vạ trên đây, năm loại vạ chỉ được hóa giải bởi chính Tòa Thánh (2, 3, 5, 6 và 7), còn hai loại vạ kia (1 và 4) có thể được giải do giám mục giáo phận hay những linh mục được các giám mục ấy ủy thác.
Vạ tuyệt thông hậu kết: được ấn định cho một số tội. Sau khi phạm, đương sự chưa lập tức bị vạ. Đương sự chỉ bị vạ sau khi Giáo hội ra công bố. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay chỉ còn hai loại vi phạm bị chế tài vạ hậu kết.
Hầu hết những trường hợp bị vạ tuyệt thông đều là vạ tuyệt thông tiền kết và người mắc vạ tuyệt thông bị cấm:
  • Không được tham phần bằng bất cứ cách nào như thừa tác viên vào việc cử hành Hy tế Thánh Thể, hay vào các lễ nghi phụng tự nào khác
  • Không được cử hành các Bí tích hay Á Bí tích và lãnh nhận các Bí tích
  • Không được hành sử các chức vụ, tác vụ hay bất cứ nhiệm vụ nào, hay thi hành các hành vi cai trị
Sau khi vạ tuyệt thông đã bị tuyên kết hay tuyên bố, người bị vạ tuyệt thông thi hành cách vô hiệu những hành vi cai trị nếu trước đó đã được chỉ định; cũng không được lãnh nhận cách hữu hiệu một chức vụ hay nhiệm vụ nào khác trong Giáo hội; cũng không được chiếm hữu cho mình các lợi lộc của bất cứ chức vị, chức vụ hay nhiệm vụ, hưu bổng nào mà đương sự đã có trong Giáo hội.

(Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

1 comment:

  1. hoang60 wrote on May 6
    Thế là biết mình là ai rồi, thật rõ ràng.
    Thanks bác.

    aquapham wrote on May 22
    Cám ơn bạn đã post bài này/

    ReplyDelete