Thursday, August 23, 2012

• Trần Hưng Đạo


Thông minh xuất chúng bậc hiền tài
Không đặt thù nhà trên quốc tai
Hội nghị toàn dân thông nội biến
Hịch truyền tướng sĩ chống ngoài lai
Nát gan Tất Liệt tên hung chúa
Vỡ mật Thoát Hoan đứa vấy oai
Chói sáng cổ kim gương đất Việt
Non sông muôn thuở biết ơn ngài
Bác Từ


Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn

Kính thưa quý thính giả, hôm nay ngày 20 tháng Tám năm Nhâm Thìn, là ngày dân Việt tưởng niệm công ơn của Đức Thánh Trần, còn gọi là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người đã có công ba lần đánh tan giặc Nguyên Mông, giữ yên bờ cõi. Trước hiểm họa xâm lăng của Bắc phương đang lăm le thôn tính nước ta một lần nữa, toàn dân Việt trong và ngoài nước quyết noi gương anh hùng lẫm liệt của Ngài, nhất định không để dân tộc rơi vào cảnh nô lệ Bắc thuộc lần thứ năm. Mời quý thính giả theo dõi bài tưởng niệm Đức Thánh Trần do Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay

Nhớ khi xưa, vào thế kỷ thứ 13, giặc Nguyên Mông sang xâm chiếm nước ta, dân quân Trần triều dưới sự thống lãnh của Đức Trần Hưng Đạo, đã 3 lần anh dũng, liệt oanh phá tan các đạo quân xâm lăng, mở thêm trang sử hào hùng sau các triều đại huy hoàng và hiển hách của thời Lê, Lý.
Đức Trần Hưng Đạo cùng thế hệ Trần triều đã tốn rất nhiều công sức và hy sinh biết bao xương máu để gìn giữ được mảnh giang sơn gấm vóc.
***
Đức Trần Hưng Đạo là danh tướng thời nhà Trần. Trong lịch sử Việt Nam, ngài là người có công lớn trong ba lần kháng chiến chống Nguyên - Mông. Đồng thời ngài còn là một nhà nghiên cứu quân sự với các bộ binh pháp Binh thư Yếu lược và Vạn Kiếp bí truyền. Đức Trần Hưng Đạo còn được người dân Việt tôn sùng như bậc thánh, nên còn được gọi là Đức thánh Trần.
Đức Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1231, là con trai của An Sinh vương Trần Liễu, cháu gọi vua Trần Thái Tông bằng chú, sinh ra tại vùng nay là Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nguyên quán ở làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ngài còn có hiệu là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Đức Trần Hưng Đạo vốn có tài quân sự, lại là tôn thất nhà Trần, do đó trong cả ba lần quân Nguyên Mông tấn công Đại Việt, ngài đều được vua Trần cử làm tướng soái. Đặc biệt ở kháng chiến chống nhà Nguyên lần thứ hai và thứ ba, ngài được vua Trần Nhân Tông phong làm Tiết chế chỉ huy các đạo quân thủy bộ. Dưới sự lãnh đạo của ngài, quân dân Đại Việt chiến thắng ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, đuổi quân Nguyên - Mông ra khỏi đất nước.
Sau khi kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ ba thành công. Đức Trần Hưng Đạo lui về sống ở Vạn Kiếp. Ngài đã dựa vào địa thế vùng Vạn Kiếp mà Kiếp Bạc là trung tâm để lập phủ đệ và quân doanh làm phòng tuyến chiến lược giữ mặt đông bắc của Đại Việt.
Ngày 20 tháng 8, năm Canh Tý (tức ngày 11-10-1300), Đức Trần Hưng Đạo mất. Theo lời dặn, thi hài ngài được hoả táng thu vào bình đồng và chôn trong vườn An Lạc, giữa cánh rừng An Sinh, không xây lăng mộ.
Sau khi ngài mất, triều đình phong tặng là Thái sư Thượng Phụ Quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương. Người dân Đại Việt vô cùng thương tiếc người anh hùng dân tộc đã có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc, nên lập đền thờ ngài trên nền Vương phủ gọi là đền Kiếp Bạc. Người dân Đại Việt kính trọng, vinh danh gọi ngài là Đức Thánh Trần và lập đền thờ khắp nơi trong nước. Ngày lễ tưởng niệm được tổ chức hàng năm vào ngày 20 tháng 8 âm lịch.
Xin kính cẩn nghiêng mình dâng 3 nén hương lên đức Thánh Trần và thế hệ Trần triều anh dũng để tưởng nhớ đến công đức cao dầy của Chư liệt vị, những anh hùng đã đổ xương máu để gìn giữ cho đất nước Việt Nam thoát khỏi gông cùm nô lệ của giặc ngoại xâm phương Bắc!


No comments:

Post a Comment