Tuesday, November 20, 2012

Phiên chợ “âm phủ”


Photo courtesy of ld.com.vn
Phiên chợ chiếu ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình còn được gọi là Phiên chợ “âm phủ”., ảnh chụp trước đây.

Quỳnh Chi, phóng viên RFA

Vì sao những phiên chợ chiếu ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình được gọi là Phiên chợ “âm phủ”?

Tạp chí “Câu chuyện hàng tuần” kỳ này Quỳnh Chi mời quý vị theo dõi câu chuyện về phiên chợ rất đặc biệt: chợ âm phủ. Vì sao những phiên chợ chiếu ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình được đặt với cái tên đầy đặc biệt và bí ẩn đó? Mời quý vị cùng tìm hiểu ngay sau đây.

Đi chợ lúc nửa đêm

Chiếu cói Quỳnh Phụ (Thái Bình) từ lâu đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Thế nhưng không phải ai cũng quen thuộc với phiên chợ chiếu đêm tại đây mà người dân vẫn quen gọi là chợ ma hay chợ âm phủ.
Hơn 12 giờ đêm trời tối đen như mực, ngửa lòng bàn tay còn không thấy. Không gian tĩnh lặng cộng với cái giá buốt trong đêm khiến cho người ta dễ có cảm giác rằng xã An Lễ (huyện Quỳnh Phụ) quê mùa này đang chìm sâu vào giấc ngủ.
Vậy mà chỉ cần nửa giờ đồng hồ sau, phía quốc lộ 10 bắt đầu nhộp nhịp với hàng trăm xe đạp lò dò trong bóng tối dày đặc, khó trông rõ nhân dạng. Mỗi chiếc xe chở vài đôi chiếu cói mộc hay còn gọi là chiếu trắng. Một lát sau, các lái buôn cũng xuất hiện với các ngọn đèn pin trong tay. Đó là thứ ánh sáng duy nhất từ chợ chiếu. Đúng 1 giờ sáng, cổng chợ Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ) mở toang và phiên chợ bắt đầu.

Đi đã quen rồi thì chắc là không bao giờ sợ mà đã sợ thì đã không bao giờ đi. Một giờ đêm là đi chợ, đến khoảng 2-3 giờ sáng là xong.
Ô. Phan Văn Lớn
“Đi đã quen rồi thì chắc là không bao giờ sợ mà đã sợ thì đã không bao giờ đi. Một giờ đêm là đi chợ, đến khoảng 2-3 giờ sáng là xong. Mang được chiếu về đến nhà cũng khoảng 4-5 giờ sáng. Lúc đó thì người dân mới bắt đầu nhóm chợ để mua bán thức ăn”, ông Phan Văn Lớn, một lái buôn chiếu lâu năm tại địa phương cho biết.
Một giờ sáng, tiếng í ới, hỏi han, chèo kéo làm khu chợ ồn ào hẳn. Duy chỉ ánh điện là không có, khiến khu chợ Đồng Bằng như một đốm sáng nhạt chập choạng trong đêm. Không ai bảo ai, phiên chợ bắt đầu là hàng trăm, hàng ngàn đôi chiếu trắng được dựng đứng lên, che mất cả người bán. Nếu không tinh mắt, người ta dễ có cảm giác những đôi chiếu này dường như “có ma” khi tự đứng được. Lúc này, các lái buôn bắt đầu len lỏi qua các cột chiếu, cầm đèn đi soi chiếu, sờ soạng và chọn mua.
“Đó là chợ nhộn nhịp nhất. Trước đây có ba chợ là chợ Đồng Bằng, chợ Sổ, chợ An Tràng. Nhưng bây giờ chợ An Tràng làm chiếu máy nhiều quá nên người ta không đi nữa. Bây giờ chỉ còn mỗi chợ Đồng Bằng với chợ Sổ. Nhưng chợ Sổ ở tận vùng sâu nên người ta đi ít hơn. Mỗi người có một cái nghề. Mình chọn nghề buôn chiếu nên đi chợ đêm riết rồi thành thói quen.”
banchieu2-200b.jpgChị Đinh Thị Diệp, một người địa phương từng là dân dệt chiếu và bây giờ là dân buôn chiếu trắng – nói với vẻ sành sỏi. Chợ Đồng Bằng thuộc xã An Lễ nhưng dân dệt chiếu đổ về các phiên chợ đêm này từ các xã An Dục, An Tràng, An Vũ, An Quý… Còn cái lái buôn thì ngoài dân Thái Bình còn có cả thương lái chiếu từ Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng…
“Chiếu cói của quê tôi đặc biệt hơn, không như chiếu ở những  nơi khác. Lúc nào chiếu ở đây cũng có mức tiêu thụ cao nhất từ cổ chí kim. Chiếu cói không thể bị thay thế được vì chất của cói khi nằm lên cũng khác”, ông Lớn nhận xét.
Chợ chiếu âm phủ Đồng Bằng nhóm 6 phiên mỗi tháng rơi vào các ngày mùng 4 và mùng 9 âm lịch (tức ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29). Giữa các phiên chợ, người thợ tranh thủ dệt cho được vài ba đôi chiếu mới. Chính vì thế, mỗi khi phiên chợ bắt đầu, khi các lá chiếu mới được mở ra là mùi cói, đay đặc trưng Quỳnh Phụ cứ lan tỏa cả một khoảng không.

Mua bán trực tiếp

Nếu người bán chiếu cố tình lừa thì người mua cũng không thể phát hiện được bởi có soi thì cũng chỉ biết phần nào thôi. Chủ yếu là thật thà với nhau.
Ô. Phan Văn Lớn
Điểm đặc biệt của chợ chiếu Đồng Bằng là chỉ mua bán trực tiếp giữa người dệt và người mua. Và chợ chiếu cũng chỉ bán duy nhất mặt hàng là cói và chiếu mộc dệt tay bằng cói và đay. Đay được trồng lấy vỏ, cói được cắt lên từ ruộng nước ngọt. Tất cả các giai đoạn phơi, làm cói, dệt, kết, ghim, làm trắng… đều được người thợ chọn lựa và làm kỹ càng, tỉ mỉ. Chiếu đẹp là chiếu bóng, trắng, cứng, dày và đều tay. Chiếu trắng được mua về phải qua thêm công đoạn phơi hấp và in ấn.
Chiếu cói Quỳnh Phụ khi nằm cho cảm giát mát, êm mà không lạnh. Chính vì thế, khi lái buôn đi mua chiếu cói, họ thường phải săm soi và sờ để cảm nhận độ êm của chiếu. Tuy nhiên, theo ông Lớn, người dân nơi đây chủ yếu dao dịch dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.
“Nếu người bán chiếu cố tình lừa thì người mua cũng không thể phát hiện được bởi có soi thì cũng chỉ biết phần nào thôi. Chủ yếu là thật thà với nhau. Tức người bán cũng thật mà người mua cũng thật”.
Người Quỳnh Phụ ăn nói nhiệt tình, quý khách và thật thà. Họ gọi khách bằng “mình”, xưng “tôi” đầy thân thiện, tử tế và mộc mạc như những lá chiếu trắng. Tại những phiên chợ chiếu, âm thanh buôn bán náo nhiệt có thể ồn ào, có thể lộn xộn, có thể chèo kéo nhưng luôn niềm nở và tràn ngập tiếng cười.
“Đi chợ chiếu thì có buồn ngủ cũng không được vì lúc ấy thì rất vui và say mê buôn bán. Thêm nửa, lúc ấy đèn pin soi chói lọi thì làm sao mà ngủ được”, ông Lớn vừa cười vừa chia sẻ.
Như bất cứ một phiên chợ nào, chợ chiếu Đồng Bằng chủ yếu ồn ào vì người mua ngã giá. Trung bình, một người thợ giỏi dệt được hai lá chiếu mỗi ngày, có giá dao động ở khoảng 200 ngàn đồng, tùy vào sự khéo léo và tỉ mỉ của người thợ. Người dệt khéo còn có thể dệt cả hoa văn trên lá chiếu trắng. Trừ tiền đay, cói, người thợ có thể mang về phân nửa số tiền bán chiếu.
Phiên chợ là lúc người bán có thể tiêu thụ sản phẩm của mình để kiếm chút vốn liếng mua vật liệu cho lần dệt tới. Đó cũng là lúc người dệt có thể chọn mua cho mình những bó cói đẹp. Và đó cũng là lúc những người đi chợ có thể trao duyên gởi tình. Đã có không ít cặp đôi bén duyên với nhau nhờ phiên chợ chiếu về đêm đặc biệt này. Dệt chiếu, bán chiếu là nghề truyền thống của nhiều xã trong huyện Quỳnh Phụ. Cho nên bất kể vào mùa nào, chợ chiếu Đồng Bằng cứ đúng hẹn lại lên.
“Đó là truyền thống đã như thế”, chị Lê Thị Trinh chia sẻ.
banchieu1-2-250.jpg
Người mua dùng đèn pin để lựa chiếu tại
phiên chợ chiếu ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh
Thái Bình, ảnh chụp trước đây. Photo
courtesy of VITA.
Mặc dù là dân địa phương nhưng chị Trinh có lẽ còn quá trẻ để giải thích vì sao các chợ chiếu ở Quỳnh Phụ chỉ nhóm vào lúc giữa đêm. Nhưng ông Phan Văn Lớn giải thích bằng một lý do khác:
“Dân làm chiếu phải đi bán ban đêm để sáng về họ nấu nướng và làm việc tiếp. Việc này nhằm tiết kiệm thời gian mặc dù có vất vả một chút”.
Thợ dệt chiếu tay ở Quỳnh Phụ khá vất vả. Họ thường bắt đầu công việc vào lúc 4 giờ sáng. Sau khi lo tươm tất công việc gia đình, bắt đầu 6 giờ sáng là họ đã ngồi vào khung dệt. Nếu dệt nhanh tay, họ có thể hoàn thành một đôi chiếu vào buổi tối cùng ngày và sau đó thực hiện giai đoạn ghim, kết và nhặt cói. Đôi lúc đến 10 giờ đêm thì đôi chiếc trắng mới được dệt xong. Có hôm đúng phiên chợ thì người thợ chỉ chợp mắt được một chút.
“Ở Đồng Bằng thì bán chợ Đồng Bằng thôi. Lúc trước chưa có điện thoại thì để chuông đồng hồ, cứ 1 giờ là reng để đi bán. Đến 3 giờ lại đi về”.
Đó là chia sẻ của chị Lưu Quỳnh Hoa, một thợ dệt chiếu lâu năm tại xã An Lễ. Giọng người phụ nữ trung niên này đã pha chút cách phát âm của người miền nam. Chị nói, mấy năm trước chị phải vào Sài Gòn sinh sống vì nghề dệt chiếu tay quá vất vả. Chị Hoa không phải là người duy nhất từ bỏ nghề dệt chiếu tay để đến với chiếc máy dệt hoặc các công việc khác:
“Nếu mà so với trước đây thì bây giờ chợ chiếu không thể nhộn nhịp được vì có đến một nửa số người đã chuyển sang làm chiếu máy. Nếu như trước đây mỗi phiên chợ tôi mua được từ 150 đến 300 đôi chiếu thì bây giờ giỏi lắm chỉ mua được 100 đôi. Không có nhiều để mua mà cũng không tiêu thụ nhanh được”, ông Phan Văn Lớn vừa nói vừa kịp liếc chiếc đồng hồ để thấy cây kim dài qua khỏi số 3.
Chiếu dệt tay bền và đẹp hơn chiếu dệt máy cho nên giá cũng đắt hơn. Tuy nhiên công suất của một chiếc máy hơn người thợ dệt thủ công gấp nhiều lần. Ông Lớn đưa tay vỗ mạnh vào mớ chiếu ông vừa mua được trong phiên chợ, ra vẻ hài lòng với mớ chiếu vừa trắng, vừa êm. Đứng gần ông, những người bạn hàng khác cũng đã mua được xong phần của mình và chuẩn bị chất lên xe. Còn những thợ dệt chiếu cũng thu gom những bó chiếu chưa bán hết và những bó cói mua được chất lên xe đạp. Tiếng cười nói, chia tay nhau lại khua lên. Lúc này người ta biết phiên chợ chiếu đã tan – cũng là lúc người thợ dệt Quỳnh Phụ bắt đầu một ngày mới.

Liên lạc với tác giả tại: Quynhchi@rfa.org



2 comments:

  1. Nghe tới âm phủ tưởng là ghê lắm chứ.

    ReplyDelete
  2. Chiếu mua ở âm phủ chắc mang về để bó xác.

    ReplyDelete