Tuesday, July 29, 2014

Học đạo - hiểu đạo - sống đạo

 

Vạ tuyệt thông là gì?

Linh mục chịu chức giám mục bất hợp pháp cùng với các giám mục phong chức đều bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết theo điều 1382 của Bộ Giáo luật. Sau những vụ truyền chức giám mục bất hợp pháp tại Trung Quốc, Tòa Thánh công bố những người chịu chức giám mục như vậy đã mắc vạ tuyệt thông. Nhiều người hỏi vạ tuyệt thông là gì.

Để trả lời, phải tìm hiểu hai điều: 

1. Các thánh thông công. 
2. Vạ tuyệt thông.

1. Các Thánh cùng thông công.

Trên nguyên tắc, tất cả những ai được rửa tội, đều là thánh, vì đã được sạch tội tổ tông và tội riêng. Các Thánh là tất cả những người Công giáo, vì thế ân huệ có thể thông truyền cho nhau. Nên:
Tất cả các tín hữu còn sống hay đã qua đời - đã được lên thiên đàng (paradis) hay còn đang ở luyện tội (purgatoire) - đều có liên lạc mật thiết. Đó là tín điều (dogme) Các Thánh cùng thông công.

- Các tín hữu còn sống làm thành Giáo hội chiến đấu.
- Các Thánh trên thiên đàng làm thành Giáo hội khải hoàn.
- Các linh hồn trong luyện tội làm thành Giáo hội đau khổ.
Các tín hữu tôn kính, cầu xin Các Thánh. Còn Các Thánh cầu bầu cho các tín hữu trước mặt Thiên Chúa.
Các tín hữu làm việc lành phúc đức cầu cho các linh hồn. Còn các linh hồn cầu bầu cùng Chúa cho các tín hữu còn đang sống.
Các tín hữu đều thông công với nhau: mỗi người đều có quyền hưởng nhờ lời cầu nguyện và công nghiệp của tất cả những người khác.

2. Vạ tuyệt thông (hay dứt phép thông công, rút phép thông công) nghĩa là không còn được hưởng những ân huệ của “các Thánh thông công” nữa, nhưng chỉ là một hình phạt của Giáo hội Công giáo Rôma dành cho những giáo sĩ và giáo dân phạm trọng tội. Khi một người bị tuyên án vạ tuyệt thông thì về bản chất, người ấy bị tách rời ra khỏi sự "hiệp thông" với những tín hữu khác trong Giáo hội, về hình thức là bị khai trừ khỏi tổ chức Giáo hội. 

Tuy nhiên, vạ tuyệt thông không phải là Thiên Luật (luật của Chúa) mà là Nhân Luật (giáo luật của Giáo hội), nên vạ tuyệt thông không ảnh hưởng đến mối liên hệ riêng rẽ giữa cá nhân người bị vạ với Thiên Chúa.
Hình thức: Có hai hình thức vạ tuyệt thông:

• Vạ tuyệt thông tiền kết: được ấn định cho một số tội. Ngay sau khi phạm, đương sự lập tức bị vạ, không cần Giáo hội phải ra công bố. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay chỉ còn bảy loại vi phạm bị chế tài Vạ tiền kết.

1. Người bội giáo, lạc giáo hay ly giáo, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết.
2. Ai ném bỏ Bánh Thánh, lấy hoặc giữ với mục đích phạm thánh, bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
3. Người nào hành hung Đức Thánh Cha sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
4. Ai thi hành việc phá thai, và việc phá thai có kết quả, sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết.
5. Tư tế hành động ngược lại các quy định ở điều 977, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
6. Cha giải tội nào vi phạm trực tiếp ấn bí tích, phải bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
7. Giám mục nào không có ủy nhiệm thư của Đức giáo hoàng mà phong chức giám mục cho người khác, cũng như người nào được thụ phong do giám mục ấy sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.

Trong bảy quy định vạ trên đây, năm loại vạ chỉ được hóa giải bởi chính Tòa Thánh (2, 3, 5, 6 và 7), còn hai loại vạ kia (1 và 4) có thể được giải do giám mục giáo phận hay những linh mục được các giám mục ấy ủy thác.

• Vạ tuyệt thông hậu kết: được ấn định cho một số tội. Sau khi phạm, đương sự chưa lập tức bị vạ. Đương sự chỉ bị vạ sau khi Giáo hội ra công bố. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay chỉ còn hai loại vi phạm bị chế tài vạ hậu kết.

Hầu hết những trường hợp bị vạ tuyệt thông đều là vạ tuyệt thông tiền kết và người mắc vạ tuyệt thông bị cấm:

1. Không được tham phần bằng bất cứ cách nào như thừa tác viên vào việc cử hành Hy tế Thánh Thể, hay vào các lễ nghi phụng tự nào khác.
2. Không được cử hành các Bí tích hay Á Bí tích và lãnh nhận các Bí tích.
3. Không được hành sử các chức vụ, tác vụ hay bất cứ nhiệm vụ nào, hay thi hành các hành vi cai trị sau khi vạ tuyệt thông đã bị tuyên kết hay tuyên bố, người bị vạ tuyệt thông thi hành cách vô hiệu những hành vi cai trị nếu trước đó đã được chỉ định; cũng không được lãnh nhận cách hữu hiệu một chức vụ hay nhiệm vụ nào khác trong Giáo hội; cũng không được chiếm hữu cho mình các lợi lộc của bất cứ chức vị, chức vụ hay nhiệm vụ, hưu bổng nào mà đương sự đã có trong Giáo hội.

(Bài viết chia sẻ từ trang facebook của Linh mục Phong Sương)

18 comments:

  1. Trích: - Tuy nhiên, vạ tuyệt thông không phải là Thiên Luật (luật của Chúa) mà là Nhân Luật (giáo luật của Giáo hội), nên vạ tuyệt thông không ảnh hưởng đến mối liên hệ riêng rẽ giữa cá nhân người bị vạ với Thiên Chúa - .Hết

    Như thế, người ta có thể mắc vạ tuyệt thông bị phạt bởi con người, bị chê bai bởi con người nhưng với Thiên Chúa Ngài thấu suốt lòng ta biết ta không tham lam nham hiểm, không cố tình làm tội như những kẻ lên mặt đạo đức giả kết án ta và Thiên Chúa đón nhận ta như đứa con hoang đàng trở về... amen

    ReplyDelete
  2. Cám ơn Bác Từ chia sẻ, đây là kiến thức mà người công giáo cần biết để giữ đạo cho nên.

    ReplyDelete
  3. Vậy em là thánh vì đã được bố mẹ đêm đến nhà thờ rửa tôi lúc còn bé

    ReplyDelete
  4. Thánh chỉ là một danh từ để tuyên dương công trạng cho cá nhân. Với người Công Giáo, Thánh được tôn kính và trân trọng phong cho những tín hữu/giáo sĩ có công xây dựng và truyền đạo, cũng như có nhiều đóng góp tích cực cho giáo hội/xã hội, Thí dụ như Thánh Augustine mà ai trong chúng ta cũng đều biết, Ngài một tội nhân trở thành Thánh nhân ...

    ReplyDelete
  5. Học đạo - hiểu đạo - sống đạo
    Sáng kiến hay!
    Mọi ngưòi có thể chia sẻ, cùng học hỏi để sống đạo đúng với ý nghĩa giáo lý kinh thánh.
    Nhiều người chỉ biết theo đạo, ai nói thế nào cũng chỉ biết gật biết gù mà quên hay không biết dùng khả năng của mình để nhận xét.
    Muốn giữ đạo cho tốt thì phải hiểu đạo để không bị người khác hướng dẫn sai theo ý họ.
    Thanks Anh Từ.

    ReplyDelete
  6. Những điều này giờ mới biết, có đạo từ lúc còn đỏ hỏn mà đâu được nghe ai nói đến những cái này, thày mẹ thì chỉ bắt đọc kinh, quát đi nhà thờ chứ cũng kg biết điều này.
    Cám ơn Bác Từ.

    ReplyDelete
  7. Tớ có théc méc là khi được hỏi ông/bà đạo gì thì có người nói tui đạo thiên chúa , người nói đạo công giáo, kẻ khác lại nói tôi là kitô hữu. Vậy 3 câu trả lời kia có khác biệt gì không?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đương nhiên là khác biệt rồi.
      Đạo thiên chúa có thể là tin lành
      Đạo công giáo là đạo công giáo
      Kito hữu có thể ko phải là công giáo mà là chính thống giáo, Do thái giáo hay đao nào khác. nhưng những đạo này đều thờ chúa (god)

      Delete
    2. Nói như ông Lâm Thao thì không phải 3 là 1.
      Tớ chờ để nghe ai giải thích thêm.

      Delete
  8. Thú vị lắm Bác Từ ơi!
    Học được 1 điều hay
    Thanks bác!

    ReplyDelete
  9. Thực tình đây là lần đầu mới đọc được những điều này, lúc trước cứ nghe vạ tuyệt thông mà không hiểu thế nào, nghe mỗi người nói một kiểu nhiều khi thấy hoang mang, rồi cũng hiểu thêm qua bí tích rửa tội thì là thánh, là người của hội thánh
    Cám ơn anh Từ Thức

    ReplyDelete
  10. Rất hữu ích cho người Công Giáo. Tuy là căn bản nhưng lại ít người biết đến

    ReplyDelete
  11. Xưa nay k biết cũng có sao đâu, biết rồi có khác gì.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Biết hơn k chứ sao lại k khác. Vậy học để làm gì?

      Delete
  12. Đọc xong tính kéo xuống com. thấy nguoihanoi sexy buồn cười quá quên cả muốn viết gì

    ReplyDelete
  13. Anh Từ Thức ơi, nam nay có đi Dòng Đồng Công không?
    Xs bus của em sẽ tới lúc 11am thứ năm.
    mOng là gặp anh

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hi Nam,
      Năm nay anh không đi, và cũng không có lý do gì cả, chì là làm biếng.thôi.
      Chúc có những ngày tuyệt với, sốt sáng với những ngày hành hương nhé

      Delete