Sunday, July 17, 2016

Tha hồ mà xem "ấy" của nhau!

PIC

Trong văn phạm (grammar) hay còn gọi là ngữ pháp của tất cả ngôn ngữ trên thế giới đều có đại danh từ (pronoun) tức là tiếng dùng để xưng hô hoặc để thay thế cho một danh từ vốn có thể đã xuất hiện rõ rệt hay có thể... vô hình (ngầm), hoặc cho một sự, một quan niệm kín đáo, một ẩn ý... 
So với bất cứ ngôn ngữ nào khác, đại danh từ của tiếng Việt thì... khủng khiếp lắm và phức tạp “hết ý.” Ngay cả chính người lớn mình sử dụng lắm khi còn... lúng túng, huống chi trẻ Việt sinh trưởng ở nước ngoài hay người ngoại quốc học tiếng Việt. Thí dụ đơn giản như ngôi thứ nhất, số ít: Tôi, tao, tớ... cũng đã đủ khiếp rồi, kể thêm đến chú, bác, cô, dì, dượng... lại càng “loạn cào cào” đến “can không nổi.”

Hơn nữa, trong Việt ngữ có một đại danh từ vẫn lừng danh... độc đáo; đó là “ấy.” Thú thật, càng ngẫm nghĩ càng cảm nhận đại danh từ “ấy” quá hay khiến cả người dùng lẫn kẻ nghe đều cùng cảm thấy... quá đã. Như một trò chơi, một cuộc thách đố. Nếu bất chợt, trộm nghe hay vô tình nghe được hai nhân vật đối thoại với nhau mà một trong hai người này nói “ấy” thì kẻ ngoài cuộc sức mấy suy đoán nổi “ấy” nhằm chỉ cái chi hay sự gì. Chẳng hạn, bỗng nghe anh chàng nói: “Làm gì có chuyện đó. Sao em cứ... ấy anh hoài!” Tuy nhiên, phần nhiều trường hợp thì ai cũng có thể hiểu tương đối dễ dàng “ấy” là gì, “ấy” có ý chỉ cái chi. Thí dụ, thưở ông bà mình ở thôn quê xưa kia, tuy đã thành vợ thành chồng cả năm rồi, về mặt “tình trong” thì cũng đã “chân giường bốn cái, gẫy ba,” vậy mà “mặt ngoài” hai người còn e, vẫn chưa dám cả gan xưng hô khơi khơi “anh với em,” nói chi đến “mình với ta.” Gọi nhau vẫn chỉ bâng quơ bằng từ “ấy.” Điển hình như:

“Ấy” ơi, “ấy” hãy nghỉ tay,
“Ấy” chờ “ấy” đấy, “ấy” mau mà về!

Những người trong cuộc dĩ nhiên đã đành hiểu nhau nhanh như chớp, nhưng các kẻ ngoài cuộc cũng “rành sáu câu” ngay lập tức. Thế mới... tài. Câu ca dao trên đây kể lại việc người vợ trẻ gọi chồng ngừng công việc đồng áng để về... ăn cơm. Chữ “ấy” ở đầu câu Bát dưới chỉ người vợ tự xưng; bốn chữ “ấy” còn lại chỉ người chồng được vợ gọi.

Ngoài ra, “ấy” rất nhiều khi còn có tác dụng “cứu bồ” trong hoàn cảnh người nói bị kẹt, chưa hay không tìm ra ngay ý/câu để nói, thí dụ: Người con gái nói với mẹ: “Thì mẹ cứ ấy đi rồi tối con về con sẽ... ấy” sau, chứ lo gì!” - nhất là kẹt cứng hơn nữa bởi “sự thật” mà vì lý do nào đó bất khả bộc lộ, chẳng hạn hai bà to nhỏ mí nhau: “Úi dà, hai đứa đã phải lòng nhau từ khuya rồi, làm gì mà chẳng ấy đêm, ấy ngày...”
Mà thôi, dông dài quá, diễn giải thêm chẳng qua cũng chỉ gây cho độc giả “bực mình chẳng muốn nói ra,” bởi “biết rồi, khổ quá nói mãi!” Vậy thì khi đọc đầu đề trên đây: Tha hồ mà xem “ấy” của nhau,” chắc hẳn quí bạn đọc bất kể giới tính hay tuổi đời hoặc giai cấp xã hội... cũng đã có thể đoán ra chữ “ấy” muốn chỉ... cái gì rồi chứ hả? Thế nhưng, “ấy” mà độc giả... “ấy” đó có thể đúng mà cũng có thể sai. Vậy xin độc giả thân mến đọc tiếp câu chuyện dưới đây để biết... kết quả thực hư ra sao, nhé:

Không ngừng tò mò ấy của nhau!

Theo quan niệm của Tây phương, nữ giới xuất xứ từ sao Kim tinh Venus; nam giới đến từ Hỏa tinh Mars. Còn Đông phương thì quan niệm nam thuộc Dương, nữ thuộc Âm. Nhiều người cho rằng vì được cấu tạo bởi các nguồn dị biệt mà nam giới, nữ giới mới khác nhau; khác đến độ mâu thuẫn, đối chọi nhau: “Đàn ông đi biển có đôi; đàn bà đi biển mồ côi một mình.” Về thể lý, chỗ nào của nữ... phình ra thì ở nam thụt vào và ngược lại: “Đàn ông không râu bất nghì; đàn bà không vú lấy gì nuôi con.” Về tâm lý, “đàn bà nói có là không; nói yêu là ghét, nói buồn là vui”; trong khi “đàn ông không nói thì thôi; một khi đã quyết, Thiên Lôi cũng đành.”.. Chẳng thế mà bên này tự xưng là “phái mạnh” thì phe kia đành nhận là “phái yếu.” Và cũng vì vậy, “giá cả” hai bên mới chênh lệch đến thảm thương:

“Ba đồng một mớ đàn ông 
Mua về mả bỏ vào lồng cho kiến nó tha
Ba trăm một mụ đàn bà 
Mua về mà trải chiếu hoa cho ngồi”...

Thế nhưng, điều quan trọng phải nhấn mạnh ở đây là cũng bởi hai bên có sự khác biệt về cả “nội thất” lẫn “mặt bằng” mà cá nhân phe nào cũng mang chứng tật ngay từ thưở lọt lòng mẹ: Tò mò, tọc mạch - tức là muốn biết tất cả những gì của đối phương. Đặc biệt hơn cả là những gì càng được bên kia gọi là “kín” đồng thời càng che đậy kỹ, thì lại càng gợi cho bên này sự hiếu kỳ mạnh. Mà một khi đã ham, thích, muốn “sự lạ” rồi thì sẽ cố gắng tìm mọi cách để khám phá ra nhằm trước để thấy, để xem, để ngắm nghía, chiêm ngưỡng, sau để “ăn tươi nuốt sống” - mà tiếng Anh gọi vắn tắt chỉ bằng một từ, hai âm: “Enjoy”!

Để đáp ứng thứ tâm lý tò mò và hiếu kỳ vừa kể trên, khoa học và kỹ thuật vẫn không ngừng thực hiện các cuộc nghiên cứu. Vâng, đúng vậy, sau nhiều cuộc thử nghiệm, các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha, Thứ Hai tuần rồi, đã công bố những kết quả... quá siêu mà họ đặt tên là “Đổi Giống.”

Em được xem ấy của anh nếu anh được thấy ấy của em

Tiêu đề trên là do một số tạp chí ở Âu Châu đã đặt cho nhân khi họ tường thuật cuộc họp báo của nhóm chuyên gia nghiên cứu này. Theo đó, “sự cố” không phải là thứ để “mua vui cũng được vài trống canh” nhưng có tầm mức ảnh hưởng mạnh đến tâm lý loài người, khả dĩ đảo lộn được cả “luân lý giáo khoa thư.” Nguyên nhân cơ bản là không chỉ cho phép tha hồ nhìn ngắm cái “ấy” của nhau mà nam, nữ còn chiếm hữu “báu vật” của đối phương làm của mình hầu mặc sức mà “tự sướng” để rồi từ đó cung cấp những điểm hướng dẫn cần thiết cho các chuyên gia như bác sĩ, nhà tâm lý... trong việc chữa bệnh chẳng hạn. Tuy thế không ai dám bảo đảm là giới thương mại sẽ mãi mãi đứng làm ngơ, trái lại theo thói quen, họ cũng sẽ nhẩy ào vào “ăn có” để hốt bạc?

Bây giờ, xin quý độc giả hãy lắng nghe lời tường thuật dưới đây về các bước tiến triển, không chỉ để mở rộng “chân trời tím” về kiến thức mà có khi cần để áp dụng. Số là các nhà nghiên cứu xứ đấu bò tót nay đã lợi dụng ngon lành kỹ thuật trò chơi điện tử (games) để cung cấp cho thiên hạ - không phân biệt giới tính - một cái nhìn sâu sắc, đúng hơn là một sự cảm nhận siêu đẳng về lối sống làm đàn bà hay làm đàn ông ra sao.

Các nhà nghiên cứu chỉ cần sử dụng cặp kính tên là Oculus Rift và một cái máy “camera” là họ có thể tạo nên một thứ ảo tưởng để “đánh lừa” não trạng.

-Thám hiểm khác thường: Thí dụ nhé, một thiếu nữ và một thanh niên đeo cặp kính Oculus Rift vào; cặp kính này sẽ cho hai người thấy được toàn bộ ngọc thể của nhau cùng lúc đồng nhất hóa các cử động. Đã chửa! Thế nhưng tác dụng vừa kể đã làm cho não bộ bị “đánh lừa” bằng cách khiến người này có cảm giác mình hiện hữu trong cơ thể của người kia. Nói toạc móng heo ra là, người nam “trở thành” người nữ và ngược lại.

Trong máy video vốn được dùng để biểu diễn hệ thống, khán giả nhìn thấy người nam và người nữ cứ “vô tư” mà tha hồ “thám hiểm” cơ thể của nhau (nhưng mộng tưởng đang là của mình), dĩ nhiên các đương sự cũng không thể bỏ qua “dịp may hiếm có” mà “tự sướng” với “cái ấy” của đối phương, bởi như trên đã giới thiệu, nó đang là “của riêng” của mình mà.

-Mục tiêu về sự tương kính: Theo sự diễn tả của dự án, cuộc thử nghiệm này nhằm mục đích nghiên cứu giới tính và tình dục, hay gọi tóm lại bằng các tiêu đề quan yếu sau đây mà chính các nhà nghiên cứu đã ghi: Bản sắc giới tính, lý thuyết đồng tính, kỹ thuật khoa học về nữ quyền, sự thân mật và sự tương kính...

Nhóm nghiên cứu gia này hiện tiếp tục tiến lên trên đường chuyên môn hóa các lý thuyết thành cụ thể. Năm ngoái, họ đã được trao một giải thưởng cao quí trong cuộc trình bày việc chữa trị chứng bệnh rối loạn về ăn uống. Trong năm nay, nhóm nghiên cứu Tây Ban Nha này hy vọng dự án nghiên cứu “Đổi Giống” của họ nếu chưa hoàn tất thì cũng sẽ tiến được một bước-đi-hia khổng lồ.

Chấm dứt... dâm tưởng?

Cứ theo Sigmund Freud, nhà phân tâm học Đức, hầu hết ai cũng bị cái “ấy” ám ảnh - nhưng nếu được giải tỏa thì “đương sự” sẽ “khỏe re như con bò kéo xe” mà sống lành mạnh; ngược lại, nếu bởi một hay những lý do nào đó, điển hình như luân lý, tôn giáo, văn hóa... mà “đương sự” bị “kềm kẹp” (dồn nén) thì dễ bị “sa chước cám dỗ” hoặc dễ bị bệnh tâm thần. Ông Freud nói để có thể theo dõi và chữa trị bệnh nhân, một trong những phương pháp quan yếu là phân tích các giấc mơ của “đương sự.” Câu chuyện chứng minh của Sigmund Freud: Một nữ bệnh nhân kể cho ông (vốn là một bác sĩ tâm lý) nghe về giấc mơ của bà: Trong chiêm bao, bà là một đứa trẻ 3 tuổi, cùng với 2 bạn “nhí” đồng tuổi khác, một trai và một gái, ngồi “đại tiện” trên các cái “bô.” Một bé gái (chính là bệnh nhân) nói: “Tôi có một cái ví, nhưng em trai tôi lại có một các xúc-xích nhỏ.” Bé gái kia nói: “Tôi cũng có một cái ví.” Theo Freud, đây là một biểu tượng tình dục nơi trẻ con.

Càng lớn, các cơn “dâm tưởng” càng “thừa thắng xông lên.” Cuộc nghiên cứu “Đổi Giống” kể trên chắc chắn sẽ đóng góp đắc lực vào việc “giải quyết” các vụ “mơ giữa ban ngày” này. Bởi một khi đã tha hồ ngắm nghía cái “ấy” của “đối phương” rồi sở hữu cái “ấy” như của mình thì còn mơ với mộng gì nữa. “Siêu” thực tế quá rồi còn đòi gì nữa. Từ nay hẳn sẽ không còn cảnh tượng “phe này” mơ ước “phe kia” như ri: “Ai đang đi, trên đường đê, ngã xuống sông, ướt cái quần... nylon” - và cũng sẽ chấm dứt được cơ hội “phe kia” tưởng tượng “phe này” như sau: “Chiều tồng ngồng; sáng lông nhông - hệt như ngựa chứng động cơn!!!” (hm)

2 comments: