Monday, October 1, 2012

Lobo : 40 năm sự nghiệp ca hát



Nam ca sĩ người Mỹ Lobo (DR)
Nam ca sĩ người Mỹ Lobo (DR)
Tuấn Thảo

 Nghe        
Năm 2011 đánh dấu 40 năm thành công trong sự nghiệp ca hát của Lobo. Thành danh vào năm 1971, anh đã sáng tác nhiều bản tình ca để đời, nếu không nói là vượt thời gian. Lobo cũng là một trong những nghệ sĩ người Mỹ rất nổi tiếng ở châu Á, từ Nhật Bản, Hồng Kông, Việt Nam đến Đài Loan.

Tên thật là Roland Kent Lavoie, anh sinh năm 1943 tại bang Florida trong một gia đình có dòng máu nghệ sĩ. Mẹ anh là một ca sĩ chuyên nghiệp, còn bố anh là một nhạc công, cho dù thời còn nhỏ anh không hề biết mặt người cha ruột. Thời niên thiếu, anh tự học hát và học đàn guitar, có năng khiếu dù không hề được đào tạo ở trường lớp. Năm 1961, tức cách đây vừa đúng nửa thế kỷ, anh khởi nghiệp ca hát khi gia nhập ban nhạc The Rumors.
Từ năm 1964 trở đi, anh liên tục chơi đàn và ghi âm với nhiều nhóm khác nhau. Trong đó có ban nhạc The Sugar Beats (1964), The Uglies (1966), Me And The Other Guys (1968). Nhưng mãi đến năm 1969, anh mới thật sự tách ra riêng và ghi âm đĩa nhạc đầu tay. Đĩa hát này không ăn khách cho lắm, nhưng anh không nản chí. Trái lại, anh dồn sức vào công việc sáng tác, tin chắc rằng sớm muộn gì, cái thời của anh cũng sẽ đến.

Giai thoại của nghệ danh Lobo
Năm 1971, lần đầu tiên nam ca sĩ người Mỹ cho ra mắt đĩa hát với nghệ danh Lobo. Trong tiếng Tây Ban Nha, từ này có nghĩa là con "Chó Sói". Nhạc phẩm Me and You and a Dog named Boo, nằm trong số 4 ca khúc mà anh vừa sáng tác. Bài này nhảy vọt lên hạng đầu thị trường Hoa Kỳ vào tháng 5 năm 1971. Ở đây phải mở một dấu ngoặc đơn về cái nghệ danh Lobo. Sở dĩ anh chọn biệt danh này bởi vì nó gắn liền với hình tượng của chú chó dễ thương mà anh nhắc đến trong bài hát. Anh lấy tên Lobo vì tiếng Tây Ban Nha thời đó ít thông dụng hơn, so với chữ Wolf, cũng là "Chó Sói" trong tiếng Anh, vốn đã được nhiều nghệ sĩ khác chọn lựa.
Ở đây cũng có một sự tính toán khác : vì trong trường hợp bài hát này không ăn khách hoặc chỉ là một sự thành công duy nhất (one hit wonder), nghệ danh Lobo đối với anh tựa như một tấm lá chắn hạn chế những rủi ro. Anh vẫn có thể sáng tác cho người khác với tên thật của mình hay tiếp tục ghi âm sau đó với một nghệ danh khác. Bằng chứng là trên hình bìa đĩa hát đầu tay, không hề có ảnh chụp chân dung của anh.
Với hàng triệu đĩa đơn được bán chạy, nhạc phẩm Me And You And A Dog Named Boo nhanh chóng đem lại thành công cho nam ca sĩ. Ban đầu tưởng chừng là một nghệ danh nhất thời, nào ngờ cái tên Lobo lại đi sâu vào lòng người mến mộ. Trong vòng một thập niên liền, Lobo liên tiếp sáng tác nhiều ca khúc rất ăn khách : 7 bài hát lọt vào Top Ten, trong đó có 4 nhạc phẩm chiếm hạng đầu trong thể loại nhạc nhẹ.
Dòng nhạc của Lobo được xếp vào thể loại country folk, trong cốt cách vẫn là những bản tình ca mộc mạc với ca từ dễ hiểu trong sáng, nhưng giai điệu trở nên hết sức mượt mà quyến rũ nhờ vào lối hoà âm du dương ngọt ngào, cách phối khí mềm mại độc đáo. Lobo thường dùng bộ đàn dây để đệm cho ca khúc, khác hẳn với cách chơi đàn của các nghệ sĩ country hay folk, chuyên sử dụng nhạc khí và lối hoà âm mộc.

Chinh phục thị trường châu Á
Tiêu biểu nhất vẫn là các nhạc phẩm I’d Iove You To Want Me (1972 / hạng 1), Don’t Expect Me To Be Your Friend (1972 / hạng 1), How Can I Tell Her (1973 / hạng 4), Don’t Tell Me Goodnight (1975 / hạng 2). Bài hát ăn khách cuối cùng trên thị trường Mỹ của anh là nhạc phẩm Where Were You When I Was Falling In Love (1979 / hạng 1), khép lại gần một thập niên thành công liên tục.
Thập niên 1980 mở ra giai đoạn thứ nhì trong sự nghiệp của Lobo. Đây là thời kỳ mà giọng ca của anh ít thành công hơn trên thị trường Bắc Mỹ, nhưng đổi lại ca sĩ người Mỹ lại chinh phục được nhiều châu lục khác. Tại Hoa Kỳ, Lobo chuyển sang sáng tác và sản xuất đĩa hát cho các nhạc sĩ country, chẳng hạn như Joe Stampley và Christy Lane. Nếu như anh ít còn cho ra mắt album tại Mỹ, thì ngược lại tại châu Á, Lobo tiếp tục ghi âm khá đều đặn. Ca sĩ người Mỹ ký hợp đồng ghi âm với hãng đĩa WEA, một chi nhánh của Warner Music tại Đài Loan. Song song với các tuyển tập bao gồm những bài hát ăn khách nhất của anh, hãng này sẽ cho ra mắt một album bao gồm các sáng tác mới vào năm 1989.
Đối với giới hâm mộ ở Hoa Kỳ, tập nhạc Am I Going Crazy đánh dấu sự xuất hiện trở lại của Lobo sau 10 năm vắng bóng thị trường Bắc Mỹ. Bên cạnh đó, Lobo còn hợp tác với hãng đĩa PCR tại Singapore để cho ra mắt ba cuộn CD trong suốt những năm 1990. Trong đó có album mang tựa đề Asian Moon (1994), Sometimes (1996) và You Must Remember This (1997). Cả ba album này đều gồm là những sáng tác mới song song với việc tái bản các tuyển tập chọn lọc của anh. Trong đó, khá nhiều ca khúc ăn khách của anh được phối lại thành những phiên bản với lối hoà âm khác biệt.

Các tuyển tập "vượt thời gian" 
Do rất nổi tiếng ở châu Á, nên từ năm 2000 trở đi, ca sĩ người Mỹ chủ yếu tập trung khai thác thị trường này. Anh cũng là một trong nghệ sĩ Mỹ hiếm hoi thực hiện vòng lưu diễn các nước Đông Nam Á vào năm 2006, và thường xuyên tham gia vào các chương trình ca nhạc truyền hình ở Đài Loan, Nhật Bản và Hồng Kông.
Gần đây hơn, Lobo đã cho phát hành hai tuyển tập. Tập đầu tiên mang tựa đề Out of Time (Vượt thời gian) gồm toàn là những ca khúc để đời xếp theo trình tự thời gian trong quá trình sáng tác. Tuyển tập thứ nhì mang tên All Time Greatest Performances gồm những phiên bản xưa cũng như nay mà Lobo cho là ưng ý nhất.
Tập nhạc này được xem như là có giá trị hơn cả bởi vì Lobo không chỉ thể hiện những sáng tác riêng mà còn trình bày một số ca khúc nổi tiếng của các tác giả tên tuổi. Điển hình là nhạc phẩm Will you still love me tomorrow (Mai vẫn còn yêu anh) của Carol King, nhạc phẩm The End of the World (Ngày tận thế) của nhóm Carpenters và nhất là tình khúc Let It Be Me (tạm dịch là Ta thuộc về em).
Trong nguyên tác, Let It Be Me là một bản nhạc tiếng Pháp mang tựa đề Je t'appartiens, của hai tác giả Gilbert Bécaud và Pierre Delanoë. Phiên bản chuyển dịch tiếng Anh là của Mann Curtis, ăn khách lần đầu tiên vào năm 1960 nhờ lối thể hiện của nhóm The Everly Brothers. Bài hát sau đó đã được nhiều nghệ sĩ thu lại, trong đó có phiên bản độc đáo của ông hoàng Elvis Presley hát trên sân khấu Las Vegas.
Trên tuyển tập gần đây của mình, Lobo đã ghi âm bài này thành 2 phiên bản, trong bài thứ nhất anh hát một mình, còn trong phiên bản thứ nhì anh hát chung với nữ ca sĩ nhạc đồng quê người Mỹ Nannette Bohannon. Thời gian đã làm cho người nghệ sĩ già đi, nhưng những bản tình ca của Lobo vẫn giữ được nét đẹp y nguyên như thuở nào.


6 comments:

  1. Em thích 2 bài : I'd love you to want me" , "How can I tell her" ,
    Lobo còn dòng nhạc đồng quê và guitar thùng thật tuyệt

    ReplyDelete
  2. trước 75 dân miền Nam mình phần đông đều biết Lobo rổi, nhiều bài tới hôm nay nghe vẫn còn mê.

    ReplyDelete
  3. Chỉ dân Xì Gòn thôi anh ơi ! ở quê đa số người ta ghiềng chơi 6 câu vọng cổ .
    Lúc về quê , chiều chiều em chơi guitar mấy bài này tụi đám chai chai khoái lắm ..

    ReplyDelete
  4. Có những nhạc phẩm sống mãi cùng thơi gian và ký ức , khi nghe lại không khỏi thấy mình vẫn còn những rung cảm của ngaỳ xưa, nhạc của Lobo là một trong số đó !

    Cảm ơn BT!

    ReplyDelete
  5. Cảm ơn BT, tất cả những bài hát này đã mang lại cả một chuỗi ngày qúa khứ vàng son, thời còn cắp sách đến trường, hiện về trong ký ức CT ...như mới ngày hôm qua.
    Thật tuyệt vời.

    ReplyDelete