Sunday, October 23, 2022

Nghìn Trùng Xa Cách

Năm 1944, Phạm Duy đã lọt vào mắt xanh Hélène, người góa phụ mang hai dòng máu Việt – Anh. Nàng sống với mẹ già và hai người con là Alice (gái) và Roger (trai). Hélène đẹp, sung mãn và từng trải. Phạm Duy như bị “hớp hồn” trước vẻ đẹp “Tây lai” của Hélène. Hai người quấn quýt, đắm say. Họ yêu nhau như chưa bao giờ được yêu. Cuộc tình chóng vánh, tan biến vào hư vô. Chàng và nàng chia tay, mỗi người, mỗi ngả. Phạm Duy tiếp tục bước chân phiêu lãng, giang hồ.

Vào những năm cuối thập niên 1950, khi Phạm Duy đang lao đao, chán chường, bị cả nước khinh ghét vì vụ án “ăn chè nhà Bè" với ca sĩ Khánh Ngọc vợ NS Phạm Đình Chương tai tiếng thì, ông tình cờ gặp lại người tình cũ Hélène cùng với cô con gái Alice (tiếng Việt là Lệ Lan) 16 tuổi của bà.

Trong cuộc sống tình ái đầy phóng túng của mình, ngoài người vợ thương yêu Thái Hằng, nhạc sĩ Phạm Duy đã có không biết bao nhiêu nhân tình trên khắp các nẻo đường mà ông đã đi qua, và ông cũng không ngần ngại kể rất chi tiết điều đó trong hồi ký của mình. Tuy nhiên với cô Alice, nhạc sĩ Phạm Duy gọi đó là mối tình thơ nhạc, là một mối tình trong sáng. 

Khi gặp nhạc sĩ Phạm Duy, Alice chỉ mới là cô gái 16 tuổi, còn Phạm Duy đã là một nhạc sĩ thành danh 46 tuổi. Mối tình của họ trải dài qua hơn 10 năm. Trong thời gian đó, đôi tình nhân đã cùng nhau đi qua nhiều đoạn đường tình yêu, đó có thể là những giây phút thăng hoa ngọt ngào được mô tả trong các ca khúc lãng mạn Thương Tình Ca, Cỏ Hồng. Họ như là đã Tìm Nhau một đời, cùng Cho Nhau những yêu thương. Nhưng cuộc tình biết rằng sẽ không thể giữ mãi ở trên tay, nên có nhiều ca khúc mang niềm nuối tiếc ra đời: Chỉ Chừng Đó Thôi vv.. họ đã níu kéo nhau như trong ca khúc Đừng Xa Nhau… Sau cùng, đành phải chấp nhận “kiếp nào có yêu nhau, thì xin hẹn đến mai sau…” Như cả 2 người đã biết trước rằng sẽ không thể giữ được cuộc tình suốt đời, nên một ngày năm 1968, cô Alice lên xe hoa đi lấy chồng khi đã bước sang tuổi 28. Để rồi Phạm Duy viết kết thúc cuộc tình bằng Nghìn Trùng Xa Cách.

Nhạc sĩ Phạm Duy kể về cuộc tình này trong hồi ký: Một chiều mùa thu 1957, tôi tỏ tình với Alice và được nàng ban cho một cái ừ lặng lẽ. Lúc đó tôi có ngay quyết định là mối tình này cũng phải cao thượng như mối tình giữa tôi và Helene (mẹ của Alice). Đã gần 10 năm vì quá mê mải soạn nhạc tình tự quê hương, tôi không soạn một bản nhạc tình nào cả. Tôi không ngờ trong một thời gian ngắn, tôi lại gặp được tình yêu. Tôi không lẩn tránh, dù biết không giữ được nó suốt đời....

Nếu trước đó, tình yêu trong nhạc Phạm Duy được hòa quyện vào thiên nhiên, tình tự Quê Huơng..., thì thời gian sau, ông đã dồn nhiều cảm xúc vào giai điệu đầy hoài niệm, những ký ức của một thời “tình xanh khi chưa lo sợ”. Những ngày thương nhau, Alice đã tặng Phạm Duy một vạt tóc nâu được cắt ra từ mái tóc rất đẹp của nàng cùng với cánh hoa ép nhân kỷ niệm sinh nhật của ông. Bởi thế, khi xa nhau, Phạm Duy thương xót:

“…Vài cánh xương hoa nằm ép trong thơ
Rồi sẽ tan như bụi mờ
Vạt tóc nâu khô còn chút thơm tho
Thả gió bay đi tìm…”

Có thể nói, vượt ra ngoài những rào chắn của thứ tình cảm yêu đương gái trai vị kỷ, “Nghìn trùng xa cách” được xem là một trong những tình khúc hay nhất về cuộc tình giữa Phạm Duy và Alice, là khúc hát yêu thương đậm sâu của những mối duyên tri kỷ thanh tao. Toàn bộ ca khúc là những giai điệu, ca từ giản dị, say đắm mà nồng đượm, ngọt ngào, thấm sâu vào trái tim người nghe. Chính vì ý nghĩa ca từ và giai điệu xuất sắc của ca khúc mà nhiều người cho rằng đây chính là bài tình ca hay nhất trong gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy.


1 comment:

  1. Trong nhật ký Nhạc sĩ Phạm Duy nói về Alice: "Tôi yêu người phụ nữ ấy lắm. Trong gia tài các nhạc phẩm của tôi, tôi dành tặng bà ấy 40 bài hát. Có 3 bài hát đánh đấu thời điểm tôi yêu, tôi xa và tôi quên bà ấy là “Ngày đó chúng mình”, “Nghìn trùng xa cách” và “Chỉ chừng đó thôi".

    ReplyDelete