Trong cõi trần tục đầy phồn tạp này, bình yên không phải là nơi không có sóng gió, mà là khi trong tâm không còn dậy sóng. Người xưa gọi đó là tâm tĩnh như thủy, lòng lặng như mặt hồ buổi sớm, trong veo, nhẹ nhõm, chẳng vướng bụi trần.Tôi từng nghĩ bình yên là một mái nhà đủ ấm, vài người thân đủ thương, một bữa cơm nguội đủ no. Nhưng lớn lên mới hay, bình yên là một thứ “diệu hữu", có đó mà như không, không đó mà lại luôn âm ỉ trong ánh mắt dịu dàng, cái nắm tay nhẹ tênh, hay câu nói chẳng cần tô vẽ.
Đêm vắng trăng soi trước ngõ thiền,
Gió ru lá nhẹ thoảng hương hiên.
Tâm không chẳng vướng dòng sinh diệt,
Lặng lẽ mây trôi giữa cõi tiên.
Khi trời vừa sang canh, tôi thích ngồi lặng bên hiên, nhìn ánh dương rọi nghiêng trên mái ngói rêu phong, nghe tiếng chim nhỏ ríu rít trên cành. Lòng lúc ấy như chạm vào vô ngôn chi cảnh, cảnh giới không lời, nhưng thấm đẫm cảm nhận.
Ngẫm lại, đời người khác gì một cánh bèo trôi giữa dòng, có người gắng chèo, có người buông xuôi, lại có người chọn thảnh thơi thả mình theo thiên mệnh. Như Tô Đông Pha thuở xưa, bị giáng chức bao phen vẫn ung dung làm thơ, ngắm trăng, pha trà. Ấy là vì ông đã luyện được cái tâm an tại xứ nghịch, lòng chẳng còn phan duyên với thị phi, danh lợi.
Một chén trà xanh giữa bóng dâu,
Chiều buông yên ả rụng cơn sầu.
Chim về tổ ấm, người yên giấc,
Thế sự thôi đành gác lại sau.
Và ta lại nhớ đến Âu Dương Tu, bậc đại thần thời Bắc Tống, từng bị giáng chức về nơi sơn dã. Ấy thế mà ông lại thấy đó là may mắn, vì có thể sống gần dân, thong dong uống rượu, làm thơ, soạn văn và dạy học. Ông bảo: "Dã cư chi lạc, bất tại cao lâu đại ốc, nhi tại thân tâm đắc an.". Niềm vui ở chốn quê mùa không nằm ở nhà cao cửa rộng, mà nằm ở chỗ lòng được yên. Một câu nói đơn sơ, mà đến nay vẫn còn ngân vang giữa chốn bụi hồng.
Có người hỏi: Làm sao để sống bình yên trong cõi người nhiễu nhương? Tôi chỉ cười: “Tri túc giả thường lạc, biết đủ thì luôn vui.” Không phải ai sống đơn sơ cũng là nghèo khó, mà đôi khi đó là sự lựa chọn của những tâm hồn đã từng qua bão giông và quyết định buông xuống, giữ lấy mình.
Gió lặng trăng khuya phủ mái chùa,
Tiếng chuông ngân nhẹ giữa sương thưa.
Lòng không chẳng khởi niềm vui khổ,
Chỉ ngát hương thiền giữa cõi xưa.
Và rồi, giữa những huyên náo của nhân gian, giữa những được - mất, hợp -,tan, ta chợt hiểu: bình yên không ở đâu xa, chẳng nằm nơi non cao biển rộng, cũng chẳng cần tìm trong tiếng tụng kinh nơi thiền tự. Bình yên, kỳ thực, chỉ là khi ta chịu ngồi lại với chính mình, thở một hơi thật sâu, mỉm một nụ cười thật nhẹ, và nói: “Vậy là đủ rồi.”
Như Liễu Tông Nguyên từng viết: "Tâm vi hình dịch chi chủ, hình vi tâm chi ngục.", tâm là chủ của hình hài, nếu tâm an thì thân tự khinh khoái. Ta sống giữa cõi người, học cách lắng nghe tiếng gió, hiểu lòng mình, rồi một ngày kia, có thể thong dong giữa nhân thế, dẫu đời dậy sóng, mà lòng vẫn bình thủy vô ba.
VÂN DU
Vân lặng sơn xa bóng nguyệt tà,
Tâm như mây lạc chốn không nhà.
Nhàn ôm cổ cẩm gieo từng điệu,
Lặng nhấp thiền trà đợi bóng hoa.
Mộng tỉnh hồn xưa như ảnh mộng,
Gió đưa thơ cũ thoảng hồn ta.
Nhân sinh tựa bóng trăng qua bến,
Rọi xuống dòng tâm một nét nhòa.
NGỘ HẠNH
Chẳng đợi mai sau mới tịnh tâm,
Mây bay lặng lẽ thức linh cầm.
Trăng xưa vẫn sáng qua màn khói,
Lá rụng còn ru tiếng pháp âm.
Một kiếp rong chơi như hạt cát,
Tấc lòng lặng lẽ khẽ ngân ngâm.
Chân như lặng lẽ không lời nguyện,
Mà độ trần ai vượt khổ tầm.
No comments:
Post a Comment