Wednesday, February 20, 2013

Cuốn sách gây tranh luận tại Pháp: "Sự thật về cholesterol"

Tuần báo Le Nouvel Observateur giới thiệu về cuốn sách của Gs Philippe Even
Tuần báo Le Nouvel Observateur giới thiệu về cuốn sách của Gs Philippe Even
Trọng Thành (rfi)
Trong lĩnh vực y khoa  tại Pháp từ một tuần nay, có một cuộc tranh luận với tâm điểm là cuốn sách « Sự thật về cholesterol » của giáo sư Philippe Even. Quan điểm chính của cuốn sách cho rằng lượng cholesterol cao trong cơ thể nhìn chung không phải là nhân tố gây ra các bệnh tim mạch, đi ngược lại một quan điểm phổ biến từ nhiều thập kỷ nay, được hầu hết y giới thừa nhận. Quan điểm này đã bị phản đối dữ dội, nhưng cũng có không ít người chia sẻ.

Ngày 13/02, tuần báo Le Nouvel Observateur giới thiệu trên trang nhất cuốn sách của giáo sư Philippe Even và hàng tựa là tên của sách : « La vérité sur le cholestérol/Sự thật về cholesterol », với hàng tít phụ : « Nếu cholesterol không nguy hiểm. Giáo sư Even mở màn cuộc tranh luận ». Sách sẽ chính thức ra mắt bạn đọc vào ngày mai 21/02/2013.
Le Nouvel Observateur ghi nhận : « Giáo sư Even dấn thân vào một cuộc hành trình đầy thách thức mới : tận mắt thẩm định lại các nghiên cứu kinh điển về tính độc hại của cholesterol và các thử nghiệm lâm sàng với các thuốc statin, các dược phẩm giảm cholesterol rất mạnh – thị trường dược phẩm lớn nhất với doanh số 25 tỷ đô la năm 2011 ».
Theo khẳng định của tác giả cuốn sách : « Không có cholesterol xấu. Người ta đã phóng đại tác dụng của nó. Nó không phải là nguyên nhân của chứng nhồi máu cơ tim và các tai biến mạch máu não. Cholesterol là một phi vụ làm ăn, cho phép ngành công nghiệp dược phẩm ăn không 2 tỷ euro/năm, với việc bán ra một cách đại trà các thuốc statin giảm cholesterol ». Giáo sư Even cũng là đồng tác giả một cuốn sách gây sốc khác cách đây nửa năm : « Guide des 4.000 médicaments utiles, inutiles ou dangereux/Hướng dẫn về 4.000 dược phẩm có ích, vô ích hay nguy hiểm », trong đó có nhận định rằng các thuốc statin chỉ cần thiết đối với 9/10 trường hợp đang sử dụng hiện nay.
Hàng loạt tổ chức y khoa, đặc biệt là tim mạch, cũng như nhiều bác sĩ ngay lập tức đã lên tiếng phản đối quan điểm của giáo sư Even, thái độ chủ quan « vơ đũa cả nắm » của tác giả cuốn sách, chủ yếu trong việc phủ nhận tác dụng của việc dùng các thuốc statin để hạ cholesterol, rất nguy hiểm đối với sinh mệnh của nhiều bệnh nhân đang điều trị bằng statin. Nếu biết rằng, tại Pháp có khoảng từ gần 5 triệu đến gần 7 triệu người sử dụng statin, tùy theo các nguồn thống kê khác nhau, thì không khó khăn gì để đoán biết cuốn sách phủ nhận tác hại của cholesterol gây ra một làn sóng phản đối dữ dội như vậy.
Trong số các tổ chức y khoa ký vào thông cáo chung ngày 18/02/2013 phản đối cuốn sách này, có nhiều hiệp hội bác sĩ tim mạch Pháp : Collège National des Cardiologues français, Collège des Cardiologues de Hôpitaux, Société français de cardiologie, Fédération française de cardiologie
La Haute Autorité de santé (HAS)/Cơ quan Giám định Chất lượng Y tế Pháp, đã ra thông cáo về chủ đề này ngay vào ngày 14/02.
Thông cáo của HAS nhắc lại rằng, tiếp theo một nghiên cứu phân tích vào năm 2010, Cơ quan Giám định Chất lượng Y tế HAS khẳng định các thuốc hạ cholesterol có tác dụng không thể tranh cãi với mục đích ngăn ngừa các tai biến tim mạch tái phát. HAS cho biết các thuốc statin làm giảm nguy cơ tử vong 10% đối với nguy cơ tái phát tai biến tim mạch, đặc biệt với chứng nhồi máu cơ tim. Còn đối với các trường hợp người không có tiền sử tai biến tim mạch, thì HAS cho rằng, các thuốc hạ cholesterol chỉ nên dùng đối với những người nào cùng lúc với tỷ lệ cholesterol cao, có thêm nhiều nguy cơ gây tai biến tim mạch khác, như tiểu đường, huyết áp cao hay hút thuốc lá… Ngược lại, các trường hợp đối với người chỉ có lượng cholesterol cao, nhưng không có các yếu tố rủi ro khác, thì việc dùng statin để hạ cholesterol là không cần thiết.
Le Figaro trong bài « Cholesterol, những điều dối trá và những sự thực của giáo sư Even » thì nhấn mạnh đến các lo ngại của HAS, về tác động của cuốn sách « khiến người bệnh lo lắng, khiến họ mất lòng tin vào một trị liệu có hiệu quả và vào các bác sĩ của mình. Làm tăng nguy cơ dừng các trị liệu đối với các bệnh nhân thực sự có nhu cầu, tác giả cuốn sách kể trên phải gánh chịu một trách nhiệm lớn ». Cơ quan Giám định Chất lượng Y tế Pháp HAS cũng khuyến cáo các bệnh nhân « không nên tự ngừng dùng thuốc, nếu không có ý kiến của bác sĩ điều trị ».
Quan điểm cho rằng cholesterol không có hại đối với hệ tim mạch, của bác sĩ Even trong cuốn sách sắp được phát hành, thực ra không hoàn toàn mới. Cũng theo Le Nouvel Observateur, từ đầu những năm 2000, tiếp theo « Những huyền thoại về cholesterol », cuốn sách của bác sĩ Thụy Điển Uffe Ravnskov, và tiếp theo hơn một trăm bài báo bảo vệ quan điểm này được đăng tải, 98 người - bao gồm các nhà nghiên cứu và các bác sĩ phủ nhận tác hại của cholesterol - đã tập hợp thành một mạng lưới Thincs (the International network of cholesterol skeptics) vào năm 2002. Mặc dù các nghiên cứu của nhóm được đăng tải trên một số tạp chí khoa học có uy tín như Lancet, nhưng quan điểm « tác hại của cholesterol chỉ là một huyền thoại » của họ ít được chú ý.
Gần đây tại Pháp, cũng về chủ đề này, có cuốn sách của bác sĩ chuyên khoa tim mạch Michel Lorgeril, « Cholesterol, những lời dối trá và sự tuyên truyền », ấn hành năm 2007. Bác sĩ Lorgeril cũng là người từng đề xuất « nghịch lý Pháp » hay chế độ ăn uống đặc thù của khu vực Địa Trung Hải vào năm 1992, ghi nhận hiện tượng : Dù người Pháp và dân cư ở khu vực Nam Âu có tỷ lệ cholesterol cao tương đương người Mỹ, nhưng lại ít mắc các bệnh tim mạch hơn nhiều so với người Mỹ. Một trong các lý do của nghịch lý này là các cư dân tại khu vực Địa Trung Hải uống rượu vang và sử dụng các chất béo không bão hòa có trong dầu ô liu, một thực phẩm phổ biến của khu vực.
Cho dù có những bất đồng sâu sắc trong vấn đề sử dụng các thuốc statin hạ cholesterol giữa bên ủng hộ và bên chống, Cơ quan Giám định Chất lượng Y tế HAS, trong thông cáo kể trên nhân cuốn sách của giáo sư Even, cũng thừa nhận rằng các thuốc statin cho những người có nguy cơ tim mạch, không phải lúc nào cũng được kê đúng. HAS thừa nhận: « có một số trường hợp lạm dụng statin ở Pháp ; việc lạm dụng statin trong việc ngăn ngừa nguy cơ tim mạch ở những người không có tiền sử tai biến (…), ở những người mà nguy cơ bị tai biến không cao ».
Về chủ đề này, Libération số ra ngày 13/02 có bài « Cholesterol, các thuốc statin bị chỉ trích dữ dội ». Libération lưu ý đến một số điều hợp lý trong quan điểm phản bác tác hại của cholesterol. Đặc biệt là góc nhìn của giáo sư Bernard Bégaud, người phụ trách một cơ sở theo dõi dược phẩm lớn nhất tại Pháp, có trụ sở ở Bordeaux. Bác sĩ Bégaud ghi nhận, kể từ hơn 10 năm nay, không có một nghiên cứu nào cho thấy các tác dụng tích cực của statin tại Châu Âu, đối với các bệnh nhân ở giai đoạn phòng ngừa sơ cấp, tức là có tỷ lệ cholesterol hơi cao, nhưng chưa từng bị nhồi máu. Mà trên thực tế, các bác sĩ đã kê thuốc statin một cách phổ biến cho những người này. Ngay từ năm 2005, bác sĩ Bégaud đã cho rằng 20% trường hợp điều trị với statin là không cần thiết.
Libération cũng lưu ý đến cái nhìn thận trọng của giáo sư Simon Weber, bệnh viện Cochin Paris, theo đó, bác bỏ hoàn toàn tác dụng của statin là « hồ đồ ». Bên cạnh đó, bác sĩ chuyên khoa tim mạch bệnh viên Cochin cũng nghiêm khắc chỉ trích áp lực của các tập đoàn công nghiệp dược phẩm, từ năm này qua năm khác, thúc đẩy việc sử dụng statin với liều cao, mà điều này là không cần thiết, thậm chí còn nguy hiểm.
Hạ cholesterol bằng các thuốc statin có cần thiết hay không ? Nếu cần thì trong những trường hợp nào ? Và rộng hơn nữa, để phòng ngừa các căn bệnh tim mạch, các biện pháp căn bản là gì ?... Đây là những câu hỏi hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp một lần nữa lại đặt ra trong công luận Pháp, nhân cuốn sách của bác sĩ Even, trong bối cảnh nhiều bê bối dược phẩm quy mô lớn mới bị bung ra trong thời gian gần đây, như vụ Mediator. Giới chuyên gia cũng như công luận cũng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các chiến lược điều trị và chăm sóc sức khỏe sát thực, hiệu quả và chi phí tiết kiệm hơn.


Phần phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Ý Đức (Texas)


RFI : Xin Bác sĩ cho biết về quan điểm phủ nhận tác hại của cholesterol đối với các bệnh tim mạch được nhìn nhận như thế nào tại Hoa Kỳ.
BS Nguyễn Ý Đức : Đây là một vấn đề khá quan trọng, ngoài tầm hiểu biết của chúng tôi, cho nên cũng chỉ xin có vài ý kiến hết sức căn bản, thông thường.
Cho tới nay, ý kiến chung của y giới cũng như quần chúng tại Hoa Kỳ vẫn cho là cao cholesterol có liên hệ tới bệnh tim mạch. Và người ta đã đặt ra các tiêu chuẩn cholesterol tới mức độ nào là phải điều trị bằng được phẩm, bằng giảm tiêu thụ chất béo, chất cholesterol hoặc các phương thức khác…
Tuy nhiên, từ lâu cũng đã có nhiều nghiên cứu cho rằng cao cholesterol không đưa tới bệnh tim mạch. Họ nêu ra kết quả nghiên cứu của Framingham, Boston, kéo dài 30 năm cho hay cao cholesterol là một rủi ro đưa tới bệnh tim mạch nhưng không giải thích tại sao, và ½ bệnh nhân có bệnh tim mạch thì cholesterol lại thấp, trong khi đó ½ người không có bệnh tim mạch thì cholesterol lại cao.
Cũng nên để ý rằng yếu tố rủi ro (risk) không phải là nguyên nhân gây ra bệnh mà chỉ là một nguy cơ, một cơ hội để bệnh có thể xảy ra. Chẳng hạn có nghiên cứu nói là phụ nữ cao lớn thường hay bị bệnh ung thư nhũ hoa, thì không có nghĩa là cứ cao lớn là bị ung thư này. Tất nhiên là không phải vậy.
Có thể dẫn thêm một số nghiên cứu khác như một nghiên cứu tại Canada trong 12 năm cho hay cao cholesterol không liên quan gì tới bệnh tim mạch. Hoặc người Nhật thường được coi như ăn ít thực phẩm chứa cholesterol và ít có rủi ro bệnh tim. Khi họ định cư tại Hoa Kỳ, tiếp tục món ăn truyền thống thì lại bị bệnh tim mạch nhiều hơn là người Nhật tiêu thụ món ăn Hoa Kỳ nhiều chất béo. Như vậy thì có thể là có một rủi ro nào khác, chẳng hạn stress…
Như vậy thì, tại sao cho là cao cholesterol đưa tới bệnh tim mạch vẫn còn rất phổ biến. Có ý kiến cho rằng các nhà sản xuất dược phẩm cũng như kỹ nghệ chế biến thực phẩm, vì lợi nhuận tài chánh, vẫn liên tục bảo vệ quảng bá tin tưởng rằng cao cholesterol là xấu trong quần chúng, và quần chúng tin theo. Cho nên, nhiều người e ngại khi nói mức độ cholesterol không liên hệ tới bệnh tim là đi ngược với ý kiến được coi là không phải bàn cãi hiện nay.

RFI : Xin Bác sĩ cho biết thêm về cholesterol.
BS Nguyễn Ý Đức : Cholesterol là một thành phần cần thiết của màng các tế bào, được dùng để sản xuất một số kích thích tố, tạo ra sinh tố D trên da bằng tia nắng, cũng như tạo ra acit mật để tiêu hóa chất béo... Cholesterol chiếm 70% các chất cấu tạo tế bào của não bộ, cho nên cơ thể đã tự cung cấp tới 75% cholesterol. Khi ta tiêu thụ nhiều cholesterol, thì cơ thể giảm sản xuất mà khi tiêu thụ giảm thì cơ thể tăng sản xuất để giữ quân bình tự nhiên.
Do đó giảm tiêu thụ cholesterol chưa đủ để hạ cao cholesterol. Vả lại, theo một số nghiên cứu, cholesterol chỉ bám vào thành động mạch bị tổn thương vì lý do khác, như là đường quá cao, chất béo ôi hư. Vì thành động mạch bình thường rất trơn chu để máu lưu thông dễ dàng. Khi có một vết thương, thì LDL (Low-density lipoprotein) mới dính vào đó mà gây ra rủi ro.

RFI : Xin Bác sĩ cho biết quan niệm của Bác sĩ về việc phòng ngừa các bệnh tim mạch.
Chúng tôi cứ nghĩ rằng, cái quan niệm trung dung của Á đông vẫn là điều nên áp dụng, và nhà văn Hoa Kỳ Mark Twain có nói là ông tin tưởng ở sự vừa phải moderation trong mọi lãnh vực (kể cả sự vừa phải).
Cholesterol nói riêng, thức ăn nói chung, rất cần thiết cho cơ thể, nhưng sự cần thiết này có giới hạn. Nếu cung cấp quá giới hạn thì cơ thể không sử dụng hết và phải tìm cách loại ra khỏi cơ thể, ấy là không kể sự bội thu gây ra sự mất cân bằng tự nhiên của các chức năng cũng như cấu trúc của cơ thể và gây ra rủi cho cho sức khỏe cũng như gây ra bệnh.
Thành ra, trung dung vừa phải là điều cần. Tiêu thụ cho đúng với nhu cầu. Tiêu thụ đa dạng nhiều chất dinh dưỡng khác nhau, nhưng phải theo một tỷ lệ nhiều ít chấp nhận được.
Như vậy sức khỏe mới được bảo toàn một phần nào. Rồi ta cũng cần áp dụng các phương thức bảo vệ sức khỏe khác như vận động cơ thể, ngủ nghỉ đầy đủ, giải trí thư giãn trí óc và tránh xúc động quá mức.
Ngoài ra cũng nên để ý là kết quả nghiên cứu khoa học không có giá trị vĩnh viễn. Kết quả đúng hôm nay chưa chắc đã đúng vào vài năm nữa. Vì để phát triển, khoa học cần được liên tục nghiên cứu. Một kết quả mới được thông báo mới chỉ là kết quả sơ khởi, cần nhiều nghiên cứu khác có cùng ý kiến thì kết quả đó mới được coi là chung kết và được phổ biến để dân chúng áp dụng...

RFI : Còn về thuốc hạ cholesterol, Bác sĩ có ý kiến như thế nào ?
BS Nguyễn Ý Đức : Thực tình ra, những loại thuốc để hạ cholesterol, các nhà bào chế cũng đã lưu ý với giới tiêu thụ rằng, thuốc có thể gây ra một số những rủi ro cho cơ thể chúng ta. Đặc biệt nhiều người uống statin có cảm giác rằng đau nhức cơ bắp, đôi khi rất trầm trọng, tổn thương cho gan, thận, thần kinh, thậm chí tử vong mà lý do tại sao vẫn chưa được xác định. Lý do làm sao, thì vẫn chưa xác định được, thành ra chúng tôi cũng chỉ xin thưa thế này. Khi sử dụng loại thuốc đó, thì nhiều khi phải sử dụng lâu dài, chúng ta cũng phải hết sức dè dặt, theo dõi. Nếu có những biến chứng, hoặc có những khó khăn gì xảy ra, thì phải cho bác sĩ hay, để bác sĩ có thể điều chỉnh cái lượng thuốc của mình để giảm thiểu các rủi ro cho sức khỏe.

RFI xin cảm ơn Bác sĩ Nguyễn Ý Đức đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn hôm nay


7 comments:

  1. lão biết có vài người bạn có lượng cholesterol trên 300 nhiều năm , tuy có sợ nhưng họ vẫn bình thường và nói không thấy có báo hiệu gì trong cơ thể.
    Nếu bài nói cholesterol cao không gây ra bịnh tim mạch thì là một điều may mắn cho con người . Mong là sẽ không có rủi ro gì.

    ReplyDelete
  2. Bố cháu có lượng cholesterol rất cao, uống đủ thứ thuốc này nọ do người ta chỉ cho , đi khác BS thì lúc lên lúc xuống nhưng khác biệt ko là bao nhiêu, nên rất lo lắng. Cháu mong là bài này sẽ làm nhiều người cholesterol cao sẽ an tâm mà sống, đừng lo lắng để sinh ra bệnh khác.
    Cám ơn bác TT nhiều.

    ReplyDelete
  3. Nếu cuốn sách « Sự thật về cholesterol » của giáo sư Philippe Even là sư thật thì sẽ đem lại hạnh phúc tuyệt vời cho nhiều người có số lượng cholesterol cao. Từ nay họ sẽ bớt được sư lo lắng tắc nghẽn tim mạch, nếu rủi ro gì đó không đến. Nhưng không phải vì thế mà lại không kiêng cữ và cũng nên hiểu chữ cái gì dùng cũng nên 'vừa phải' của BS Nguyễn Ý Đức.

    ReplyDelete
  4. Đây là tin vui cho nhân loại chứ ko riêng người có lượng mỡ cao trong máu.
    Nghe xong thấy người nhẹ ra.

    ReplyDelete
  5. BS Đức nói: ... Vả lại, theo một số nghiên cứu, cholesterol chỉ bám vào thành động mạch bị tổn thương vì lý do khác, như là đường quá cao, chất béo ôi hư. Vì thành động mạch bình thường rất trơn chu để máu lưu thông dễ dàng. Khi có một vết thương, thì LDL (Low-density lipoprotein) mới dính vào đó mà gây ra rủi ro.

    Như mình hiểu lời BS Đức thì dù số lượng cholesterol có cao tới đâu nếu, động mạch không bị tổn thương thì chất béo kia sẽ không thể bám vào mà làm tắc nghẽn động mạch được, nên cholesterol có cao cũng không đáng sợ. Bởi thế, nhiều người có lượng cholesterol cao trên 200 (số lượng mà báo chí hay nhiều BS từng nói là làm sao để dưới 200) cũng không là điều lo ngại.

    ReplyDelete
  6. Tớ nghĩ ở tuổi 40 hay cao hơn thì 1 năm cũng nên đi check up 1 lần để biết về sức khoẻ của mình. Stress hay stroke theo người ta thường nói là nguy cơ đưa đến tử vong. Vậy ai bị mấy ông Dr khuyên nên diet thì cũng nên làm theo, bớt miếng steak hay vài con shrimp cũng chẳng khó khăn gì cho lắm. Dr Đức nói dùng 'vừa phải' thì mình cũng biết thế nào là vừa phải, đừng lạm dụng vừa phải theo lối nghĩ của mình mà không chừng rủi ro kéo đến thì ..
    Thiện tai! Thiện tai!!!

    ReplyDelete
  7. Chuyện này đang nổ lớn ở Pháp. Tôi sống ở quận 13, mỗi khi ra quán, nhà hàng thì đây là đề tài chính của mọi người bàn luận sôi nổi. Phần đông tâm lý mọi người đều muốn và thích quan điểm của giáo sư Philippe Even là cholesterol cao trong máu không phải là nguyên nhân gây ra tai biến mạch máu não.

    ReplyDelete