Ba mươi tháng Tư... lệ thấm màu.
Người đi sóng dữ chưa quay lại,
Người ở chôn sâu một nỗi đau.
Với ai đó, đó là ngày “giải phóng”, là chiến thắng hào hùng. Nhưng với hàng triệu người khác — đó là khởi đầu của chia ly, mất mát và ly hương. Có những người cha không bao giờ trở về, những người mẹ một đời mỏi mòn trông ngóng, những đứa trẻ lớn lên không biết mặt cha, sống với ký ức chắp vá của người thân từng bị giam cầm, đẩy đi cải tạo, hay bỏ mạng trên biển trong hành trình tìm tự do.
Chiếc “biển số” kia có thể được treo với niềm tự hào, nhưng với nhiều người, đó là tấm biển báo một khúc quanh nghiệt ngã của lịch sử. Đó không phải là cái đẹp trọn vẹn, mà là cái đẹp gây tranh cãi – bởi đằng sau nó là nước mắt và nỗi đau không tên.
Mỗi tháng Tư về, ai đó ăn mừng. Còn ai đó im lặng, cúi đầu, thắp nén nhang cho người đã khuất, cho những giấc mộng dở dang và những mối tình không bao giờ gặp lại. Và mình chợt nghĩ: đẹp là khi lòng người cảm thấy thanh thản, khi lịch sử được nhìn nhận bằng sự thấu hiểu và lòng nhân ái. Còn nếu chỉ một bên cười, còn bên kia đau, thì có lẽ – đó chưa phải là ngày “thống nhất” thật sự.
Tháng Tư trở lại, lòng tái tê,
Bóng cũ mờ xa giữa lối quê.
Một nén tâm hương dâng đất Mẹ,
Người đi, người ở… giữa cơn mê.
Và mình tự hỏi: có bao nhiêu người trong số những người gọi ngày ấy là vinh quang, đã từng phải rời quê hương bằng đêm tối, bằng thuyền nan giữa biển cả, bằng nước mắt và cái chết? Có bao nhiêu người đã từng sống cảnh thân nhân bị giam không xét xử, bị mất quyền làm người chỉ vì một lý lịch? Có bao nhiêu người từng nằm lại ở rừng sâu hay đáy biển, chỉ vì khát vọng sống tự do?
Mình không phủ nhận rằng chiến tranh cần phải chấm dứt. Nhưng sự thật là, cái kết của cuộc chiến ấy không mang lại hòa bình cho tất cả. Hòa bình không thể có nếu một bên vẫn bị gán mác “phản động”, nếu những đau thương không được lắng nghe, nếu sự hoà giải chỉ đến từ một phía.
Lòng mình uất nghẹn. Không phải vì quá khứ chưa qua, mà vì người ta vẫn xem nhẹ nỗi đau của hàng triệu đồng bào mình. Một dòng chữ tưởng chừng vô hại, nhưng lại nhắc mình nhớ về bao kiếp người trôi dạt, bao tuổi trẻ bị vùi trong oan nghiệt, và bao ký ức bị bóp nghẹt bởi im lặng.
Tháng Tư rơi giọt lệ chưa khô,
Bóng người xưa khuất tận bến mơ.
Mái đầu bạc vẫn ngồi trông ngóng,
Giữa quê hương... như kẻ lạ, bơ vơ.
Tháng Tư vẫn về mỗi năm, mang theo sắc đỏ của phượng, của cờ, của khẩu hiệu. Nhưng với ai đó, tháng Tư mãi mãi là màu tang trắng… Vì vết thương lòng không phải cứ qua thời gian là sẽ lành. Có những nỗi đau — dù đã đi qua gần 50 năm — vẫn còn âm ỉ như vết sẹo trong tim, không ai thấy, nhưng luôn hiện diện.
No comments:
Post a Comment